Hướng dẫn các bước chăm sóc giảm đau cho bệnh nhân ung thư

Người bệnh ung thư cần được giảm đau ở tất cả các giai đoạn bệnh của họ. Có khoảng 1/3 số người bệnh được điều trị ung thư có xuất hiện đau. Ở các trường hợp này, phương pháp điều trị giảm đau và điều trị ung thư phải kết hợp chặt chẽ. Những người bệnh ở giai đoạn muộn, hơn 2/3 trong số này có đau và việc kiểm soát đau trở thành mục đích của điều trị.

Giảm đau do ung thư

Chăm sóc đau cho người bệnh ung thư nên được tiến hành theo các bước sau:
1 – Giải thích cho người bệnh và thân nhân thông hiểu về đau do ung thư, bản chất sinh lý học của đau trong ung thư bao gồm nhiều cơ chế đa dạng do u xâm lấn tới mô mềm, thâm nhiễm tới nội tạng, thâm nhiễm tới xương, chèn ép thần kinh, tổn thương thần kinh, tăng áp lực nội sọ… qua đó nhận thức về điều trị và hợp tác với nhân viên y tế.
2 – Quan sát, hỏi và lắng nghe mô tả cơn đau của người bệnh, qua đó xác định vị trí đau, tính chất đau, hướng lan, thời gian xuất hiện và mức độ đau.
3 – Khuyên người bệnh giảm bớt hoạt động hàng ngày bằng cách nghỉ ngơi, bất động, đối với đau ở chi có thể dùng nẹp mềm hoặc băng treo. Tuy nhiên, không nên để lâu ở một tư thế tránh gây loét.
4 – Động viên tạo niềm hứng khởi cho người bệnh.
5 – Sử dụng các phương tiện giải trí khác nhau như: tivi, đài, báo… góp phần làm giảm suy tư, ưu phiền cho người bệnh.
6 – Dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của thầy thuốc. Đây là phương pháp chính có thể giảm đau cho 70 – 90% người bệnh ung thư.
Thuốc giảm đau có thể được dùng theo các cách sau:
+ Theo đường uống.
+ Theo đường tiêm.
+ Theo giờ.
+ Theo 3 bậc thang (Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới).
+ Theo từng cá thể.

Đau là một tác dụng phụ thường diễn ra ở bệnh nhân ung thư đặc biệt giai đoạn muộn

7 – Theo dõi hiệu quả của thuốc giảm đau: mức độ giảm, thời gian tác dụng.
8 – Theo dõi tác dụng phụ của thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau có thể gây viêm loét đường tiêu hoá, gây nôn ra máu, ỉa phân đen, trong trường hợp nặng có thể gây hạ huyết áp, truỵ mạch…
9 – Không nên tự ý dùng thuốc giảm đau khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
10 – Có thể hướng dẫn gia đình, người thân của bệnh nhân cách xoa bóp làm dịu một phần đau cho người bệnh.
11 – Nên có phiếu ghi chăm sóc để thuận lợi cho theo dõi điều trị. Phiếu chăm sóc bao gồm một số thông tin sau:
+ Vị trí đau.
+ Thời gian kéo dài cơn đau.
+ Tính chất đau.
+ Số lần đau trong ngày, giờ.
+ Mức độ đau: Nhẹ, trung bình, nặng.
+ Tên thuốc giảm đau.
+ Thời gian dùng thuốc giảm đau.
+ Mức độ giảm đau của thuốc.
+ Khoảng thời gian tác dụng của thuốc (theo giờ).
+ Các tác dụng phụ của thuốc giảm đau (nếu có).
12 – Báo cáo bác sĩ các diễn biến bất thường.

Điều trị giảm đau vô cùng quan trọng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung bướu

 

 

 

 

 

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *