Can thiệp sớm phối hợp chặt chẽ – chìa khóa cứu sống bệnh nhân ung thư bị suy hô hấp cấp

    Trong quá trình điều trị bệnh nhân ung thư, tình trạng suy hô hấp cấp rất thường gặp nếu chẩn đoán và xử lý không kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Suy hô hấp cấp ở bệnh nhân ung thư là một biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng, Việc nhận diện triệu chứng và xử trí kịp thời đóng vai trò quyết định đến cơ hội sống sót của bệnh nhân. Từ việc đánh giá nhanh (ABC), hỗ trợ hô hấp và xử trí nguyên nhân cơ bản là các bước không thể thiếu trong quá trình cấp cứu.

Hiện nay, ung thư đang là một trong những căn bệnh nan y hàng đầu tại Việt Nam, biến chứng suy hô hấp cấp ở bệnh nhân ung thư cũng ngày càng được chú trọng. Đặc biệt, bệnh nhân ung thư có nguy cơ cao bị những biến chứng hô hấp do đa dạng nguyên nhân như chèn ép đường thở, tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, thuyên tắc mạch phổi, phù phổi cấp, hay các biến chứng viêm nhiễm……. Việc hiểu rõ các cơ chế gây ra suy hô hấp cấp cũng như quy trình xử trí kịp thời giúp nâng cao cơ hội cứu sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Các bác sĩ bệnh viện Ung bướu Nghệ An đang trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân điều trị tại viện.

   Có rất nhiều nguyên nhân gây ra suy hô hấp cấp ở bệnh nhân ung thư trong đó chèn ép đường thở  do khối u tại vùng phổi, trung thất, cổ họng. Các khối u có thể trực tiếp chèn ép hoặc xâm lấn vào các cấu trúc đường hô hấp, gây hẹp hoặc tắc nghẽn đường thở. Cùng với đó của khối u thường kích thích phản ứng viêm, dẫn đến phù nề và tăng tiết dịch, góp phần làm hẹp đường thở.

Tràn dịch màng phổi cũng rất thường gặp khi cơ chế hình thành dịch tích tụ trong khoang màng phổi, do di căn ung thư hoặc biến chứng từ phẫu thuật, làm giảm không gian trao đổi khí và dẫn đến khó thở cản trở quá trình trao đổi oxy, gây ra tình trạng thiếu oxy trong cơ thể.

Tràn khí màng phổi cũng thường gặp do hệ quả của thủ thuật như sinh thiết phổi, chọc dịch màng phổi, hoặc do vỡ kén khí… Đặc biệt trong tràn khí áp lực, suy hô hấp diễn biến rất nhanh, cần phải can thiệp dẫn lưu khí ngay tức thì.

Thuyên tắc mạch phổi, là hệ quả của bệnh lý ung thư tiến triển, bệnh nhân bị bất động kéo dài, hoặc do tác dụng phụ của một số liệu pháp điều trị… làm hình thành huyết khối trong lòng mạch có thể di chuyển lên phổi và gây tắc nghẽn động mạch phổi. Sự tắc nghẽn này làm gián đoạn dòng máu qua phổi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng oxy hóa máu.

Phù phổi cấp là tình trạng tích tụ dịch trong phổi một cách nhanh chóng, gây suy hô hấp cấp, đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời. Do tổn thương màng phế nang – mao mạch, hay do sự di căn phổi, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc do tác dụng của quá trình hóa trị, xạ trị … làm rò rỉ dịch, ứ dịch ở phổi.

Viêm phổi là tình trạng xảy ra khi hệ miễn dịch suy giảm do tác động của ung thư và các liệu pháp điều trị (hóa trị, xạ trị), hệ miễn dịch của bệnh nhân thường bị suy giảm, dễ dẫn đến viêm phổi. Đặc biệt khi có biến chứng hạ bạch cầu kèm theo, viêm phổi thường tiến triển và lan rộng rất nhanh.

Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) là phản ứng viêm nghiêm trọng trong phổi, do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể gây tổn thương toàn bộ mô phổi và làm giảm khả năng trao đổi khí. ARDS là tình trạng đòi hỏi xử trí cấp cứu khẩn cấp vì nó dẫn đến suy hô hấp nặng, không đáp ứng với các biện pháp hỗ trợ hô hấp thông thường.

Để xử trí hiệu quả, quy trình đánh giá và can thiệp cần tuân theo phương pháp ABC, đồng thời có thể siêu âm tại giường.

  • A – Airway (Đường thở), xác định xem có hiện tượng tắc nghẽn đường thở hay không. Nếu phát hiện cản trở, cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp thông đường thở.
  • B – Breathing (Hô hấp), đánh giá nhịp thở và mức độ bão hòa oxy trong máu. Sử dụng máy đo độ bão hòa (Pulse Oximeter) để theo dõi liên tục.
  • C – Circulation (Tuần hoàn), kiểm tra huyết áp và nhịp tim. Đánh giá dấu hiệu của sốc hoặc suy tuần hoàn.

Siêu âm tại giường giúp chẩn đoán nhanh các tình trạng cấp có thể can thiệp sớm: tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, tràn khí màng phổi, phù phổi cấp……

Cùng với đó, dối với những bệnh nhân nặng thì có thể thể thở HFNC hoặc thông khí không xâm lấn, nếu không đáp ứng hoặc có chỉ định thì đặt ống nội khí quản và thông khí xâm lấn.

Cần xử trí nguyên nhân gốc rễ như trong tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi cần thực hiện chọc hút dịch, khí để giảm áp lực lên phổi.

Thuyên tắc mạch phổi áp dụng liệu pháp chống đông máu để ngăn ngừa sự lan rộng của cục máu đông, có thể dùng liệu pháp tiêu sợi huyết, hoặc can thiệp lấy huyết khối nếu có chỉ định……

Viêm phổi cần sử dụng kháng sinh thích hợp và hỗ trợ miễn dịch cho bệnh nhân. Khi khối u chèn ép cần xem xét sử dụng xạ trị khẩn cấp, đặt stent đường thở hoặc phẫu thuật giải phóng đường thở, tùy theo tình trạng và vị trí của khối u. ARDS, áp dụng chiến lược thông khí bảo vệ phổi đồng thời hỗ trợ các cơ chế nội sinh để giảm phản ứng viêm, kháng sinh thích hợp…..

Nhân viên y tế đang thực hiện thủ thuật đặt sode dạ dày cho bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

    Theo dõi và chăm sóc sau cấp cứu cũng được chú trọng cao khi duy trì thông khí ổn định. Theo dõi liên tục thông qua các chỉ số như độ bão hòa oxy, nhịp thở và huyết áp, khí máu, siêu âm tại giường… Kiểm tra định kỳ các chỉ số điện giải, nước và cân bằng acid-bazơ. Dự phòng nhiễm trùng thực hiện các biện pháp vô trùng và phòng ngừa nhiễm trùng bệnh viện. Chăm sóc giảm nhẹ khi tiên lượng không khả quan, cần có các biện pháp hỗ trợ giảm đau và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Sự hỗ trợ của gia đình đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình chăm sóc bệnh nhân ung thư, đặc biệt khi đối mặt với các biến chứng nguy. Một số khuyến nghị dành cho người nhà bao gồm:

  • Quan sát và nhận diện sớm luôn chú ý theo dõi các dấu hiệu cảnh báo như khó thở, thay đổi về màu da (tím tái) hay sự thay đổi về ý thức của bệnh nhân.
  • Chuẩn bị sẵn hồ sơ bệnh án đầy đủ sẽ giúp đội ngũ y tế có thể đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác.
  • Người nhà cần hỗ trợ bệnh nhân theo đúng các chỉ dẫn của bác sĩ và không tự ý thay đổi phác đồ điều trị.
  • Hỗ trợ tâm lý, đồng hành và chia sẻ cùng bệnh nhân trong giai đoạn khó khăn có thể giảm bớt căng thẳng, giúp bệnh nhân có tinh thần chiến đấu với bệnh tật.
  • Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần gọi cấp cứu ngay lập tức để đảm bảo thời gian can thiệp tối ưu.

Các bác sĩ đang thực hiện chọc dịch màng phổi cho bệnh nhân điều trị ung thư tại bệnh viện Ung bướu Nghệ An.

 Suy hô hấp cấp ở bệnh nhân ung thư không chỉ là một biến chứng nguy hiểm mà còn là lời cảnh tỉnh về tầm quan trọng của việc theo dõi và xử trí kịp thời trong điều trị bệnh ung thư. Các nguyên nhân như chèn ép đường thở, tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, thuyên tắc mạch phổi, phù phổi cấp, nhiễm trùng và ARDS….. đòi hỏi sự can thiệp nhanh chóng và chính xác.

Nhờ quy trình đánh giá theo phương pháp ABC, siêu âm cấp cứu tại giường, hỗ trợ hô hấp đúng cách và xử trí nguồn gốc nguyên nhân, chúng ta có thể cải thiện cơ hội sống sót và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Đồng thời, việc trang bị kiến thức cơ bản cho người nhà, cũng như xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa gia đình và đội ngũ y tế, là yếu tố then chốt trong chiến lược cấp cứu và chăm sóc hậu cấp cứu.

Hãy luôn nhớ rằng, mỗi phút giây trong quá trình cấp cứu đều quý giá. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bác sĩ, nhân viên y tế và gia đình bệnh nhân chính là chìa khóa giúp vượt qua những tình huống nguy kịch và mang lại hy vọng cho người bệnh.

Cần nâng cao nhận thức cộng đồng về biến chứng suy hô hấp cấp trong bối cảnh ung thư, không chỉ để kịp thời phát hiện và xử trí mà còn để xây dựng một hệ thống y tế linh hoạt, chủ động và hiệu quả. Mỗi người trong chúng ta – từ bệnh nhân, gia đình đến các chuyên gia y tế – đều có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và duy trì sự sống cho những người đang chiến đấu với căn bệnh nan y.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *