Các yếu tố nguy cơ ung thư phổi

Tác Giả: BS. Lê Văn Thành
Hiệu đính: 1. ThS.BS. Nguyễn Viết Bình
2. BSCKII. Nguyễn Khánh Toàn
  1. Thuốc lá.

Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất gây ung thư phổi. Trong khói thuốc lá có khoảng > 3000 chất hóa học tạo ra 40 chất gây ung thư khác nhau, trong đó có 4- (N- methyl- N- nitrosamin)- 1-(3- pyridiylbutanone) là chất gây ung thư mạnh trên thực nghiệm. Khoảng 90% trường hợp ung thư phổi liên quan đến hút thuốc lá. Những người hút thuốc lá trên 1 bao thuốc/ngày thì nguy cơ tăng lên 10 – 20 lần. Nguy cơ ung thư phổi tăng lên theo cả số lượng, thời gian hút thuốc tích lũy suốt cuộc đời.

Việc cai thuốc lá có giảm nguy cơ ung thư phổi không?  Cai thuốc lá làm giảm 20 đến 90% nguy cơ ung thư phổi so với việc tiếp tục hút thuốc lá. Tuy nhiên nguy cơ ung thư phổi vẫn cao hơn nhiều so với những người chưa bao giờ hút thuốc.

Hút thuốc thụ động liệu có nguy cơ ung thư phổi? Hút thuốc lá thụ động là hít phải (phơi nhiễm) khói thuốc từ điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút phả ra. Người không hút thuốc nhưng thường xuyên sống, làm việc trong môi trường có khói thuốc lá cũng mắc các bệnh như người hút thuốc thậm chí là nghiêm trọng hơn.

 

Thuốc lá điện tử có nguy cơ gây ung thư phổi? Thuốc lá điện tử là thiết bị sử dụng pin làm nóng dung dịch điện tử (e-liquid) để tạo ra sol khí/khói cho người dùng hít vào, chứa chất tạo mùi. Thành phần chính của dung dịch điện tử, bên cạnh nicotin, còn có propylene glycol và các chất tạo hương vị. Tác động của thuốc lá điện tử đối với tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi chưa được xác định rõ ràng. Hiện nay, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng hút thuốc lá điện tử vẫn gây nghiện và có hại. Thậm chí nếu đem so sánh thuốc lá điện tử với thuốc lá điếu truyền thống thì nguy cơ bị ung thư do thuốc lá điện tử gây ra cao gấp 15 lần thuốc lá điếu. Ảnh hưởng của thuốc lá điện tử đến sức khỏe đã được nghiên cứu có thể gây viêm phổi, nhiễm trùng phổi; gây tổn hại các tế bào biểu mô ở đường hô hấp, khiến chúng bị nhiễm trùng do các chất lỏng chứa nicotine trong thuốc lá điện tử ức chế hệ miễn dịch tại phổi; gây tăng huyết áp và nhịp tim.

Ngoài ra sử dụng các chế phẩm thuốc lá như hút xì gà hoặc tẩu thuốc cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư phổi, mặc dù nguy cơ thấp hơn so với thuốc lá.

  1. Yếu tố rủi ro môi trường và nghề nghiệp

Nhiều chất gây ung thư nghề nghiệp và môi trường làm tăng nguy cơ ung thư phổi.  Các yếu tố được biết đến nhiều nhất là amiăng và radon. Ngoài ra các chất như arsenic, bis (chloromethyl) ether, chromium, formaldehyde, ionizing radiation, nickel… làm tăng nguy cơ ung thư phổi.

  • Amiăng: thường gặp ở những công nhân sản xuất tấm lớp fibro xi măng. Nhiễm amiăng là một yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi. Bệnh nhân nhiễm amiăng có biến chứng xơ hóa kẽ (bụi phổi amiăng) có nguy cơ phát triển ung thư phổi lớn hơn. Những người hút thuốc lá và có tiếp xúc amiăng có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, ngoài ung thư trung biểu mô tăng lên rất nhiều.
  • Radon là một loại khí phóng xạ xuất phát từ sự phân hủy uranium trong đá và đất. Nó thấm qua mặt đất và rò rỉ vào không khí hoặc nguồn nước. Radon có thể vào nhà thông qua các vết nứt trên sàn, tường hoặc nền móng và mức độ radon có thể tích tụ theo thời gian. Các nghiên cứu cho thấy rằng lượng khí radon cao trong nhà hoặc nơi làm việc làm tăng số ca mắc ung thư phổi mới và số ca tử vong do ung thư phổi.
  • Khói từ nấu ăn và sưởi ấm: Việc đốt nhiên liệu chưa qua chế biến (gỗ, than) ở nhiều khu vực trên thế giới gây ô nhiễm môi trường. Liên quan đến nhiều vấn đề về hô hấp, bao gồm cả việc gia tăng tỷ lệ ung thư phổi.
  • Ô nhiễm không khí và khí thải diesel. Diesel là một loại nhiên liệu từ dầu thô, thường được sử dụng trong các động cơ tàu thủy, xe lửa, xe tải, xe buýt, phương tiện xây dựng, thiết bị nông nghiệp…Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc tiếp xúc với khí thải diesel có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư phổi.

 

Mặc dù những yếu tố này có liên quan đáng kể đến nguy cơ ung thư phổi, nhưng nguy cơ của các yếu tố này tương đối nhỏ so với tác động của việc hút thuốc lá.

  1. Các yếu tố nguy cơ khác

Một số các yếu tố nguy cơ khác có thể gây ung thư phổi, nhưng tương đối ít quan trọng trong việc gây nên ung thư phổi.

Xạ trị: Xạ trị có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở những bệnh nhân đã được xạ trị vùng ngực trước đó. Ví dụ những bệnh nhân ung thư vú, u lympho. Hiện nay các kỹ thuật xạ trị cải tiến sẽ hạn chế liều bức xạ đến mô lành, làm giảm nguy cơ ung thư phổi .

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) nguyên nhân chủ yếu là do hút thuốc. Tuy nhiên, COPD có liên quan độc lập với việc tăng nguy cơ ung thư phổi, có thể liên quan đến tình trạng viêm, phá vỡ cấu trúc của phế quản phổi. Ngoài ra còn có một số bệnh lý khác của phổi cũng làm tăng nguy cơ gây ung thư phổi như: Các nốt vôi hóa, các sẹo cũ, tổn thương lao, các viêm phế quản mạn có dị sản dạng biểu bì.

Yếu tố di truyền: Vai trò của yếu tố di truyền là nguyên nhân gây ung thư phổi chưa được hiểu rõ, nhưng bằng chứng cho thấy các yếu tố đó đóng một vai trò nào đó.  Ung thư phổi thường không được coi là bệnh di truyền, nhưng một người có thể tăng nguy cơ mắc bệnh nếu cha mẹ, anh chị em hoặc con của họ bị bệnh ung thư phổi. Điều này có thể là do các gia đình thường sống trong môi trường giống nhau và tiếp xúc với cùng một chất.

Các yếu tố về chế độ ăn uống. Vẫn còn nhiều điều chưa hiểu về mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và ung thư phổi phổi, nhưng việc bổ sung beta-carotene có trong những loại rau củ quả có màu vàng, cam và những loại có lá màu xanh đậm, như bí ngô, cà rốt, khoai lang, xoài, đu đủ, đậu Hà Lan, quả anh đào, rau diếp cá, cải xoăn, cải xoong… đã được chứng minh là làm tăng khả năng phát triển ung thư phổi, đặc biệt là ở những người hút thuốc. Ăn một chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi, nhưng mối liên hệ này vẫn đang được nghiên cứu.

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT UNG THƯ PHỔI

  1. Ho dai dẳng, ho ra máu

Ho có thể là do bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp, thường hết sau 1 – 2 tuần, tuy nhiên nếu ho kéo dài lâu ngày không khỏi. Ngoài ra bệnh nhân có thể ho ra nhiều chất nhầy, ho ra máu thì rất có thể đây là một trong số các dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi. Cần đi kiểm tra phổi càng sớm càng tốt để xác định nguyên nhân.

  1. Đau tức ngực

Triệu chứng đau tức ngực diễn ra trong một vùng nào đó hay lan tỏa trên toàn bộ khoang ngực, đau liên tục, âm ỉ hoặc thỉnh thoảng mới đau.. Đau ngực trong ung thư phổi có thê là do khối u xâm lấn rộng hoặc đã di căn hạch gây chèn ép các cơ quan trong khoang ngực. Ngoài triệu chứng đau ở vùng ngực, bệnh nhân còn có thể bị đau ở lưng hoặc vai.

  1. Khó thở

 Khó thở cũng là những triệu chứng có thể có của bệnh ung thư phổi. Những thay đổi trong nhịp thở có thể xảy ra nếu ung thư phổi chèn ép đường thở hoặc khối u có thể làm giảm thể tích thông khí. Ghi lại thời điểm bạn cảm thấy khó thở hoặc khó thở. Nếu bạn cảm thấy khó thở sau khi leo cầu thang hoặc thực hiện các công việc mà trước đây bạn thấy dễ dàng, đừng bỏ qua, nên đi kiểm tra để biết nguyên nhân.

  1. Khàn tiếng không hồi phục

Ung thư phổi có thể làm thay đổi giọng nói của người bệnh, giọng của họ trở nên trầm hoặc khàn hơn so với trước đó. Đôi khi khàn tiếng cũng là dấu hiệu của một đợt cảm lạnh thông thường nhưng sẽ dần biến mất sau thời gian ngắn. Nếu khàn tiếng trên 2 tuần là dấu hiệu cảnh báo bất thường. Trong ung thư phổi, nguyên nhân khàn tiếng là do khối u ác tính đã chèn vào dây thần kinh thanh quản quặt ngược, làm biến đổi giọng của người bệnh.

  1. Khò khè

Khi đường thở của bạn bị co thắt, tắc nghẽn hoặc viêm, có thể tạo ra tiếng thở khò khè hoặc tiếng huýt sáo khi bạn thở. Điều này có thể có nhiều nguyên nhân, một số nguyên nhân lành tính và dễ điều trị như viêm phế quản, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính… Tuy nhiên, thở khò khè cũng có thể là triệu chứng của ung thư phổi, vì vậy tốt nhất bạn nên báo cho bác sĩ biết. Tốt nhất đừng cho rằng thở khò khè là do hen suyễn hoặc dị ứng. Nhờ bác sĩ xác nhận nguyên nhân

  1. Sụt cân không rõ nguyên nhân

Nếu cân nặng giảm sút nhiều (4 – 5kg trở lên) mà không rõ nguyên nhân, đó có thể là nguyên nhân của bệnh lý ác tính, trong đó có thể là ung thư phổi. Các tế bào ung thư cần nhiều năng lượng để phát triển nên chúng đã sử dụng từ chính các nguồn dự trữ trong cơ thể khiến chúng ta bị tụt cân mà không rõ lý do. Nếu bạn sụt cân mà không rõ nguyên nhân, hãy đến gặp bác sĩ.

  1. Các dấu hiệu và triệu chứng ít gặp hơn của ung thư phổi bao gồm:
  • Ngón tay dùi trống
  • Khó nuốt, nuốt nghẹn
  • Sưng mặt, cổ
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Nhiễm trùng phổi tái diễn.

*Chương trình được tài trợ bởi AstraZeneca vì mục đích giáo dục y khoa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *