Các xét nghiệm chẩn đoán nhiễm vi khuẩn helicobacter pylori (H.P)

Nhiễm Helicobacter pylori (H.p) là bệnh nhiễm khuẩn mạn tính ở người trên toàn cầu. Đường lây nhiễm chủ yếu là đường ăn uống (phân – miệng) hoặc trực tiếp ( miệng – miệng) qua nước bọt. Ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém, nước và thức ăn bị nhiễm là nguồn lây lan quan trọng ban đầu. Hiện nay, Tổ chức y tế thế giới (WHO) xếp H.p là một trong những nguyên nhân chính gây viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ dày. Việc chẩn đoán nhiễm HP giúp cho việc điều trị bệnh lý dạ dày hiệu quả hơn.

Hiện nay có nhiều phương pháp phát hiện HP, mỗi phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu khác nhau. Các phương pháp chẩn đoán H.p có thể chia thành hai nhóm:  

Các xét nghiệm có xâm lấn: Thực hiện qua nội soi thực quản –dạ dày: 

  • Clotest
  • Nuôi cấy vi khuẩn
  • Chẩn đoán mô bệnh học
  • Phản ứng chuỗi Polymerase PCR

Các xét nghiệm không xâm lấn:     

  • Test thở với 13C hoặc 14C
  • Test nhanh bằng huyết thanh
  • Tìm kháng thể kháng H.p trong nước tiểu
  • Phát hiện kháng nguyên trong phân 

Tại Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An hiện nay sử dụng phương pháp Clotest và Test thở có độ nhạy và độ đặc hiệu cao để chẩn đoán nhiễm HP.

1.Clotest: 

Nguyên lý của test là dựa vào men urase của H.p có trong mẫu mô dạ dày ( trong quá trình nội soi thực quản – dạ dày sẽ được lấy) sẽ làm biến đổi urease thành amoniac ( NH3), NH3 làm môi trường thuốc thử có pH kiềm, vì vậy làm thay đổi màu của chất chỉ thị và theo phản ứng sau: 

Urê + H2O-> CO2 + NH3 (pH đổi màu chỉ thị từ vàng sang hồng cánh sen).

Đây là một thử nghiệm nhanh chóng, rẻ tiền, đơn giản và hữu hiệu để phát hiện H.p. 

2. Test hơi thở tìm vi khuẩn HP (Urea Breath Test – UBT)

Nguyên lý là người bệnh được cho uống một lượng nhỏ ure có gắn 14C. Enzym urease của Helicobacter Pylori (nếu có) sẽ nhanh chóng phân hủy ure 14C thành amoniac và dioxit carbon phóng xạ 14CO2. Dioxit carbon có hoạt tính phóng xạ này sẽ nhanh chóng chuyển vào máu và đi tới phổi, chúng sẽ được phát hiện qua khí thở ra.

Test UBT là phương pháp không xâm hại, đơn giản, dễ áp dụng, phương pháp này có độ nhạy và độ đặc hiệu cao và bệnh nhân dễ chịu hơn so với phương pháp chẩn đoán khác dựa vào nội soi. Vì vậy, phương pháp này rất thuận tiện cho chẩn đoán nhiễm H.p ở trẻ em.

Test UBT ngoài ứng dụng cho chẩn đoán nhiễm H.p còn dùng để theo dõi và đánh giá kết quả sau điều trị tiệt trừ H.p. Ứng dụng này rất hữu ích cho những nghiên cứu trong cộng đồng. So sánh kết quả UBT trước và sau điều trị cho thấy hiệu quả của phác đồ tiệt trừ H.p.

 Bệnh Viện Ung Bướu Nghệ An đã triển khai làm xét nghiệm Clotest trong quá trình nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng và test thở Urea giúp cho quá trình chẩn đoán và điều trị, theo dõi sau điều trị đạt hiệu quả tối ưu.

                                         

Tài liệu tham khảo:

1.BUI HUU HOANG. (2009). Cap nhat thong tin ve Helicobacter pylori. Tap chi khoa hoc Tieu hoa VIET NAM, IV(17), 1109 – 1112.

2.Nguyen Van Thinh. (2009). Ty le nhiem Helicobacter pylori trong viem da day man tinh qua ket hop nhieu phuong phap phat hien. Tap chi khoa hoc Tieu hoa Viet Nam, IV(17), 1113 – 1119.

3.Koido, S., Odahara, S., Mitsunaga, M., Aizawa, M., Itoh, S., Uchiyama, K., et al. (2008). [Diagnosis of Helicobacter pylori infection: comparison with gold standard]. Rinsho Byori, 56(11), 1007-1013.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *