Các phương pháp nhuộm trong xét nghiệm cổ tử cung chủ yếu được sử dụng để phát hiện bất thường tế bào, vi sinh vật và ung thư cổ tử cung. Dưới đây là các phương pháp nhuộm
1. Phương pháp nhuộm Papanicolaou (PAP smear)
– Mục đích: Đây là phương pháp chuẩn nhất, phổ biến nhất trong tầm soát ung thư và các tổn thương tiền ung thư.
-Nguyên lý: Sử dụng hỗn hợp nhiều thuốc nhuộm để phân biệt rõ tế bào biểu mô (Papanicolaou) phết trên lam thường (conventional smear) và trên lam lỏng (liquid-based cytology – LBC).
* Nhuộm Pap phết trên lam thường (Conventional Pap smear)
Quy trình:
Bước 1: Lấy mẫu
Dùng spatula hoặc cytobrush lấy tế bào cổ tử cung và phết trực tiếp lên lam kính.
Bước 2: Cố định
Ngay lập tức cố định bằng dung dịch fixative (thường là cồn 95%).
Bước 3: Nhuộm Pap:
• Hematoxylin: nhuộm nhân tế bào (màu xanh tím).
• Orange G: nhuộm keratin (màu cam).
• EA (Eosin Azure): nhuộm bào tương tế bào (màu hồng hoặc xanh tùy loại tế bào).
– Ưu điểm:
+ Phổ biến, chi phí thấp.
+ Kỹ thuật đơn giản.
– Nhược điểm:
+Tế bào có thể chồng lấp, chất nhầy và máu ảnh hưởng chất lượng.
+ Khó phát hiện tế bào bất thường nhỏ.
* Nhuộm Pap trên lam lỏng (Liquid-based cytology – LBC)
Quy trình:
Bước 1: Lấy mẫu
Dùng dụng cụ lấy mẫu (cytobrush/spatula) rồi đưa vào lọ chứa dung dịch bảo quản (vd: ThinPrep, SurePath).
Bước 2: Xử lý mẫu
Tại labo, tế bào được lọc và dàn đều trên lam kính bằng máy chuyên dụng.
Bước 3: Cố định và nhuộm Pap như kỹ thuật thường.
– Ưu điểm:
+ Tế bào dàn đều, không chồng lấp.
+ Loại bỏ chất nhầy, máu, tạp chất.
+ Tăng độ chính xác và khả năng phát hiện bất thường.
+ Có thể dùng mẫu cho các xét nghiệm khác như HPV.
– Nhược điểm:
+ Chi phí cao hơn.
+ Cần thiết bị và kỹ thuật viên chuyên môn hơn.
* So sánh lam thường và lam lỏng (LBC)
Lam thường | Lam lỏng | |
Chất lượng mẫu | Dễ chồng lấp | Sạch, rõ ràng |
Độ chính xác | Trung bình | Cao hơn |
Chi phí | Thấp | Cao hơn |
Kỹ thuật | Đơn giản | Cần máy móc xử lý |
Phân tích bổ sung | Khó | Có thể làm thêm HPV |
2. Nhuộm Gram
– Mục đích: Phát hiện vi khuẩn Gram âm và Gram dương trong môi trường cổ tử cung (như Neisseria gonorrhoeae, Gardnerella vaginalis, v.v.)
Vi khuẩn Gram dương thường gặp: Lactobacillus spp. (trực khuẩn lớn, lành tính).
Vi khuẩn Gram âm: có thể là tác nhân gây bệnh như Gardnerella vaginalis, tạp trùng,…
Có thể thấy thêm: nấm men (Candida), trùng roi âm đạo (Trichomonas vaginalis), bạch cầu đa nhân,…
– Nguyên lý: Dựa vào cấu trúc vách tế bào vi khuẩn để phân biệt qua màu sắc.
– Quy trình:
+ Nhuộm tím gentian.
+ Gắn màu bằng iod.
+ Tẩy cồn/acetone.
+ Nhuộm nền bằng safranin.
– Kết quả:
+ Gram dương: màu tím.
+ Gram âm: màu đỏ/hồng
3. Nhuộm Giemsa
– Mục đích:
+ Phát hiện vi khuẩn nội bào như Chlamydia trachomatis.
+ Phát hiện ký sinh trùng như Trichomonas vaginalis.
+ Hỗ trợ phân biệt tế bào viêm và tổn thương.
– Nguyên lý: Nhuộm các thành phần nhân và bào tương của tế bào.
– Quy trình:
+ Cố định tiêu bản.
+ Nhuộm với dung dịch Giemsa (đã pha loãng).
+ Rửa và làm khô.
– Kết quả:
+ Nhân: màu tím đậm.
+ Bào tương: xanh nhạt – hồng
4. Nhuộm xanh methylen
– Mục đích: Nhanh, đơn giản, để phát hiện bạch cầu hoặc vi khuẩn trong dịch cổ tử cung.
+ Phát hiện sớm nhiễm khuẩn, nấm, trùng roi…
+ Quan sát hình thái tế bào biểu mô (dạng nhân, bào tương…)
+ Hỗ trợ chẩn đoán viêm âm đạo, cổ tử cung.
– Quy trình: Nhỏ vài giọt xanh methylen lên tiêu bản, đậy lam kính, quan sát dưới kính hiển vi.
– Kết quả: Tế bào nhân thấy màu xanh đậm.
5. Nhuộm acid acetic và lugol (trong VIA và VILI)
– Mục đích: Phát hiện tổn thương nghi ngờ ung thư ngay tại chỗ (kiểm tra bằng mắt thường).
– Quy trình:
+VIA: Thoa acid acetic lên cổ tử cung → vùng tổn thương sẽ trắng (acetowhite).
+ VILI: Thoa lugol → vùng bất thường không bắt màu nâu/gạch.
– Ưu điểm: Rẻ, dễ thực hiện, đặc biệt ở vùng khó tiếp cận với xét nghiệm PAP
Tác giả: CN. Võ Thị Hằng – Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An
Hiệu đính: BSCKII. Trần Đức Hùng – Trưởng khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An