Các phương pháp lấy mẫu cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung hiện đang là một trong những căn bệnh gây tử vong và vô sinh hàng đầu thế giới. Theo thống kê của  cơ  quan  nghiên  cứu  ung  thư  quốc  tế (GLOBOCAN) năm  2022, Việt Nam  ước  tính  có  khoảng 4.612 trường hợp mắc mới và 2.571 ca tử vong  do  ung thư cổ tử cung . Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính, thường gặp đứng hàng thứ 4 ở phụ nữ và thứ 2 ở phụ nữ độ tuổi sinh sản sau ung thư vú. Do đó, thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung sớm là vô cùng quan trọng.

Có 2 phương pháp xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung phổ biến: Xét nghiệm tế bào học cổ tử cung (PAP test) và xét nghiệm định type HPV (xét nghiệm virus). Mỗi một phương pháp thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung lại có cách thực hiện khác nhau.

* Xét nghiệm tế bào học cổ tử cung (PAP test)

Xét nghiệm PAP test giúp phát hiện các tế bào biến đổi bất thường tại cổ tử cung từ sớm. Các kỹ thuật xét nghiệm tế bào cổ tử cung bao gồm:

– PAP truyền thống (Pap smear): đây là xét nghiệm đơn giản, kinh điển, tương đối rẻ tiền và không gây đau.

– PAP nhúng dịch (ThinPrep/ Liquid prep): Sự ra đời của PAP nhúng dịch đã khắc phục được những nhược điểm của phương pháp phết Pap truyền thống, được coi là xét nghiệm duy nhất được FDA Hoa Kỳ phê duyệt có hiệu quả cao hơn đáng kể so với phết Pap truyền thống. Với độ nhạy lên tới 90% giúp nữ giới có thể phát hiện ung thư sớm, đặc biệt làm tăng tỷ lệ phát hiện các bất thường biểu mô tuyến lên tới 73% so với phết Pap truyền thống. Đây là kỹ thuật có giá trị cao để chẩn đoán tế bào học bởi ưu điểm cho ra hình ảnh mô học đẹp, dễ đọc, nhờ đó tăng độ nhạy và độ đặc hiệu trong việc phát hiện các tế bào biểu mô bất thường, tuy nhiên có giá thành cao hơn so với PAP truyền thống.

Để thực hiện phương pháp xét nghiệm này, người bệnh nằm ngửa trên giường bệnh, thả lỏng, đầu gối co lại. Tiếp theo, bác sĩ sẽ đưa mỏ vịt vào bên trong âm đạo. Mỏ vịt sẽ giúp mở rộng và cố định thành âm đạo để bác sĩ có thể dễ dàng nhìn thấy khu vực cổ tử cung bên trong. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng một loại bàn chải đặc biệt và một dụng cụ giống như chiếc thìa để thực hiện phết cổ tử cung. Mẫu bệnh phẩm sau đó được phết lên lam kính để nhuộm Pap smear hoặc cho vào dung dịch Thinprep xử lý bằng máy Thinprep làm tiêu bản một cách tự động.

* Xét nghiệm định type HPV

Xét nghiệm định type HPV giúp phát hiện có hay không sự xuất hiện của virus HPV – một trong những nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung và các bệnh lý phụ khoa lây truyền qua đường tình dục.

Để lấy mẫu xét nghiệm định type HPV, người bệnh nằm trên bàn theo tư thế phụ khoa, thả lỏng cơ thể. Bác sĩ sát khuẩn tay, đi găng, đặt mỏ vịt, bộc lộ cổ tử cung và cố định mỏ vịt. Quan sát dịch âm đạo và cổ tử cung, đưa chổi vào cổ tử cung ấn nhẹ và quay quanh lỗ cổ tử cung khoảng 5 vòng (đảm bảo lấy hết tế bào vùng ranh giới) sau đó lấy chổi ra và nhúng vào lọ đựng dung dịch bảo quản, ấn xuống đáy lọ 10 lần sau đó xoay tròn mạnh chổi khoảng vài lần để các tế bào trôi ra ngoài nhiều nhất.

Để có kết quả chính xác và chuẩn đoán được đúng tình trạng bệnh hơn, người bệnh nên tránh thực hiện các hoạt động như thụt rửa, quan hệ tình dục, sử dụng thuốc đặt âm đạo hoặc sản phẩm vệ sinh trong vòng 2 ngày trước khi làm xét nghiệm. Ngoài ra, chị em phụ nữ nên tránh làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung trong thời kỳ kinh nguyệt.

 

Tác giả: CN. Trần Diệu Linh – Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

Hiệu đính: BSCKII. Trần Đức Hùng – Trưởng khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *