Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh và vai trò trong tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh ung thư

Việc tầm soát và chẩn đoán sớm bệnh, đặc biệt là bệnh lý ung thư là một trong những vấn đề có tính chất quyết định đến hiệu quả điều trị của người bệnh. Y học hiện đại đã nghiên cứu và ứng dụng nhiều phương pháp nhằm chẩn đoán bệnh sớm và cho độ chính xác cao, trong đó, chẩn đoán hình ảnh đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Nếu như xét nghiệm có vai trò như là “nhìn thấy” bệnh tật một cách gián tiếp, biết được có bất thường thông qua thử máu và nước tiểu (đôi khi có thêm thử phân và các chất tiết khác), thì chẩn đoán hình ảnh là nhìn thấy được tổn thương một cách “trực tiếp”, ngay cả khi còn là mầm mống nguy hiểm. Tuy nhiên, việc hiểu và vận dụng được các kĩ thuật hình ảnh để tầm soát bệnh không phải đơn giản, các bác sĩ sẽ tùy theo độ tuổi, giới tính, tiền sử cá nhân và tiền sử gia đình để có chiến lược tầm soát và chẩn đoán bệnh tật một cách hợp lí.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày các kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh đang được sử dụng trong tầm soát và chẩn đoán bệnh tật một cách khá thường qui, kể cả ở các nước phát triển, mong góp phần cung cấp thêm thông tin tham khảo cho các bệnh nhân và cả nhân vên y tế.

X quang

Là kỹ thuật cơ bản và lâu đời nhất của Chẩn đoán hình ảnh. Từ khi tia X được phát hiện vào năm 1895, X quang đã trở thành phương tiện đầu tiên “nhìn thấu” vào bên trong cơ thể con người. Nguyên lý của kĩ thuật này là bệnh nhân được “bắn” chùm tia X vào bộ phận cần khảo sát, các thành phần khác nhau (như mỡ, dịch, xương…) sẽ có độ hấp thu tia X khác nhau, kết quả sẽ cho ra các hình ảnh có đậm độ khác nhau, ví dụ xương chụp lên phim thấy màu trắng, khí trong phổi màu đen và nhờ đó bác sĩ sẽ nhận diện được các bất thường như gãy xương, lao, u phổi…

Hạn chế của X quang là lượng thông tin không nhiều, do hình có được là sự chồng hình của cơ thể vào một mặt phẳng, có thể bị che lấp tổn thương, nên sau khoảng thời gian dài làm mưa gió trong lĩnh vực chẩn đoán thì nay với sự phát triển như vũ bão của CT Scanner và MRI, vai trò của X quang trở nên khiêm tốn. Cụ thể, các ứng dụng liên quan đến X quang sọ, xoang bụng đã được thay thế dần bằng CT Scanner.

Riêng trong tầm soát bệnh tật, vì tính cơ động và giá trị tầm soát nên khi đi khám sức khỏe định kỳ, vẫn dùng chỉ định X quang ngực để kiểm tra hàng năm các bệnh lý liên quan đến phổi, trong đó đáng ngại nhất là ung thư phổi. Ngoài ra, đáng kể và còn giá trị nhất trong tầm soát bằng X quang là chụp nhũ ảnh (tên chính xác là chụp X quang vú), khuyến cáo cho phụ nữ nếu không có yếu tố nguy cơ thì từ 40 tuổi trở lên nên chụp nhũ ảnh định kì hàng năm để tầm soát ung thư vú và đây đã trở thành chương trình quốc gia ở các nước tiên tiến.

Siêu âm

Là kỹ thuật “năng động” nhất trong chuyên nghành chẩn đoán hình ảnh vì nhiều ưu điểm như nhỏ gọn, dễ áp dụng, chi phí rẻ và ghi hình theo thời gian thực. Nguyên lý hoạt động là dùng đầu dò phát ra các sóng siêu âm (một loại sóng điện từ có tần số không nghe thấy được và quan trọng là cho đến nay vẫn được xem như là vô hại về mặt tác động sinh học lên cơ thể người). Sóng này xuyên qua cơ thể rồi va chạm vào các mô, phản hồi về đầu dò để tính toán được tính chất âm học và độ nông sâu của tổn thương.

Hạn chế của kỹ thuật này là sự cản âm khi qua môi trường xương (vôi) và khí, do đó khảo sát các tổn thương trong phổi hay liên quan đến u xương, chấn thương gãy vỡ sẽ khó ghi nhận được hết thông tin. Ngoài ra, siêu âm còn rất phụ thuộc vào người thực hiện, mang tính chủ quan cao, nên đôi khi kết quả cần được kiểm chứng bằng lâm sàng và các kỹ thuật hỗ trợ khác.

Tuy nhiên, do tính cơ động, rẻ tiền, không xâm hại và có nhiều giá trị chẩn đoán, hiện nay siêu âm vẫn là phương tiện tầm soát đầu tay cho các bệnh lý về tuyến giáp, tuyến vú (kết hợp nhũ ảnh), các bệnh lý về tim và mạch máu ngoại biên, sau cùng là, không thể thiếu siêu âm vùng bụng – chậu trong khám sức khỏe và sàng lọc sớm ung thư. Siêu âm bụng chậu được xem là cuộc rà soát rất hữu dụng khi mà bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể dễ dàng thấy được các bệnh lí sỏi tiết niệu, sỏi mật, bệnh lí gan mãn, đặc biệt là các bệnh lý về u gan, u thận, u tử cung buồng trứng (nữ) và tiền liệt tuyến (nam) sau mỗi lượt quét khoảng 15 – 30 phút, có khi ngắn hơn, tùy thể trạng bệnh nhân béo hay gầy.

 

CT Scanner – cắt lớp vi tính

Là kỹ thuật thuộc nhóm cao cấp, nguyên lý cũng dùng tia X để tạo ảnh nhưng đắt tiền hơn rất nhiều lần so với X quang, tuy nhiên lại cho lượng thông tin cung cấp khổng lồ và chính xác hơn. Tên gọi CT nghĩa là viết tắt của chữ Cắt lớp Vi tính (Computed Tomography). Bệnh nhân được đặt lên bàn chụp và di chuyển vào khung máy, trong đó có cái đầu đèn phát tia tương tự X quang, nhưng nó xoay vòng vòng quanh bệnh nhân, vừa quay vừa bắn tia tạo thành các khoanh lát cắt, tựa như các lát khi cắt quả dưa leo hay cắt chả lụa. Khi này, độ hấp thu tia X của các thành phần khác nhau sẽ được máy tính xử lí và cho ra các hình ảnh có rất nhiều đậm độ khác nhau. Các lát cắt này vừa giúp bác sĩ chẩn đoán hình ảnh nhìn thấu vào trong một cách rõ ràng về vị trí giải phẫu, vừa xác định được thành phần bản chất tổn thương là gì (khí, mỡ, dịch, mô, xuất huyết, vôi…).

Hạn chế lớn nhất của CT là liều tia cao hơn rất nhiều so với tia X, có khi 1 lần chụp CT ngực bụng “ăn tia” nhiều hơn 50 lần chụp X quang ngực, do đó trong chỉ định về tầm soát bệnh tật cũng cần cân nhắc về tính thiệt hơn. Tuy nhiên, gần đây các máy CT hiện đại đã bổ sung các công nghệ giảm liều tối đa, nhờ đó ứng dụng trong khám sức khỏe định kỳ cũng dần dần đưa vào chương trình quốc gia. Ở Mỹ, kỹ thuật chụp CT liều thấp (LDCT, Low-dose CT) trên phổi đã thực hiện rộng rãi cho các đối tượng có yếu tố nguy cơ cao về ung thư phổi, cụ thể khuyến cáo chụp CT phổi cho những người từ 55 – 74 tuổi đã hoặc đang hút thuốc trên 15 năm. Ở Nhật cũng tương tự, nhưng họ còn lồng ghép thêm chương trình tầm soát ung thư đại tràng bằng CT nội soi ảo, tức là chụp CT và dựng hình lại đại tràng như đang soi thật. Việc này đã giảm thiểu khó chịu cho bệnh nhân rất nhiều và giúp có nhiều người tham gia vào chương trình, góp phần giảm mạnh tỉ lệ ung thư đại tràng phát hiện muộn. Ngoài ra, đối với CT, trên người cao tuổi và có các yếu tố nguy cơ tim mạch, việc chụp CT tim (thật ra là CT mạch vành) để tầm soát các bệnh lý về mạch máu nuôi tim cũng được khuyến cáo, tuy nhiên chỉ định chụp là tùy thuộc vào bác sĩ tim mạch, sau khi có đủ các dữ kiện lâm sàng.

Khi mà máy CT càng lúc càng hiện đại và siêu nhanh, ở Việt Nam hiện nay đang có “trào lưu” chụp CT toàn thân để kiểm soát bệnh tật, một ca “quét” từ đầu đến chân chưa hết 20 giây tùy loại máy, có thể xem được một cách khái quát các bất thường của xoang, sọ, trung thất, phổi, bụng chậu và cột sống. Tuy nhiên, kỹ thuật này khiến bệnh nhân “ăn” tia và thuốc nhiều, ngoài ra vì quét cùng kiểu cho toàn bộ các cơ quan nên vẫn có thể bỏ sót tổn thương và hiện cũng chưa thấy phổ biến rộng rãi như là chương trình mang tính quốc gia ở các nước khác, nên chỉ định CT toàn thân hiện nay là cân nhắc, tùy nhu cầu và đối tượng.

MRI – cộng hưởng từ

Là kỹ thuật tạm gọi là “quý tộc” nhất vì đắt tiền và thời gian chụp khá lâu. Nguyên lý là sử dụng khối nam châm khổng lồ (gấp 20.000 – 25.000 lần từ trường trái đất) để ghi hình ảnh, tạo sự cộng hưởng trên các proton H+, mà H có chủ yếu ở trong nước và mỡ, nên nói cách khác, cộng hưởng từ là kĩ thuật ghi lại “bản đồ” nước và mỡ trong cơ thể.  Ngoài ra, vì không dùng tia X nên đây là kỹ thuật gần như vô hại. Hạn chế của kỹ thuật là khảo sát giới hạn các thành phần chứa khí (phổi) hay vôi (xương) vì không có H, nhưng ngược lại vì độ phân giải mô tốt nên cộng hưởng từ khảo sát các cơ quan như não, khớp, vú, hệ mật, vùng chậu rất tốt, và các ứng dụng này ngày càng dùng rộng rãi hơn trong chẩn đoán.

Riêng trong lĩnh vực tầm soát bệnh tật, do thời gian lâu, đắt tiền và CT có thể thay thế trong đa số các trường hợp, nên cộng hưởng từ vẫn còn là kĩ thuật chưa ưu thế. Tuy nhiên, ở Nhật đã ban đầu ứng dụng Cộng hưởng từ sọ não vào chương trình tầm soát quốc gia, với mục tiêu là tìm các bất thường sớm về mạch máu não, mà Cộng hưởng từ là kỹ thuật khá “siêu” khi có thể ghi hình lại mạch máu não mà không cần phải tiêm thuốc tương phản, chương trình này thật sự đã sàng lọc tốt và giảm được tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ tại Nhật.

Kết luận

Trên đây là sơ lược các kỹ thuật và ứng dụng chính của Chẩn đoán hình ảnh (ngoài ra còn DSA, y học hạt nhân, và nếu có thể, cả nội soi) trong việc tầm soát và sàng lọc chẩn đoán sớm bệnh tật, đặc biệt là bệnh lý ung thư. Khi mà khám lâm sàng chưa thể phát hiện ra các bất thường sớm, thì Chẩn đoán hình ảnh bằng việc nhìn “xuyên thấu” vào trong được, phân tích các tổn thương mà chưa cần đụng đến dao kéo để mổ là một phương pháp chẩn đoán có hiệu quả cao.

Việc hiểu rõ nguyên lý tạo ảnh cũng như ưu thế của các kỹ thuật giúp bệnh nhân yên tâm, bớt lo lắng hơn khi thực hiện. Đối với nhân viên y tế, đặc biệt là các bác sỹ, việc hiểu và nắm rõ các ưu nhược điểm của từng phương pháp sẽ giúp đưa ra lựa chọn chỉ định kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh nào nhằm phát huy ưu thế của từng kỹ thuật trong từng dạng bệnh lý riêng biệt, hạn chế các chỉ định không cần thiết, tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí, giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân được nâng cao hơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *