Việc kiểm tra, tầm soát ung thư cổ tử cung có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe và khả năng sinh sản của phụ nữ, giúp phát hiện sớm các bất thường ở cổ tử cung để kịp thời can thiệp. Mặc dù vậy, không phải ai cũng hiểu rõ quy trình hay những lưu ý trước khi tầm soát.
Ai nên tầm soát ung thư cổ tử cung?
1. Phụ nữ từ 21 tuổi trở lên
– Dù có hay chưa có triệu chứng.
– Nên làm Pap smear mỗi 3 năm nếu kết quả bình thường.
2. Phụ nữ từ 30–65 tuổi: Nên kết hợp Pap smear và xét nghiệm HPV mỗi 5 năm hoặc Pap smear đơn lẻ mỗi 3 năm.
3. Phụ nữ đã từng quan hệ tình dục
– Có nguy cơ nhiễm HPV – nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung.
– Cần tầm soát dù không có biểu hiện bất thường.
4. Phụ nữ từng bị tổn thương cổ tử cung, nhiễm HPV hoặc có người thân mắc ung thư cổ tử cung: Cần tầm soát thường xuyên và theo dõi sát hơn.
Những lưu ý dành cho người bệnh:
1. Thời điểm thích hợp: Nên làm khi không có kinh nguyệt, tốt nhất là sau kỳ kinh 5–7 ngày.
2. Tránh quan hệ tình dục: Không quan hệ tình dục trong 24–48 giờ trước khi xét nghiệm.
3. Không sử dụng các sản phẩm âm đạo: Tránh thụt rửa, dùng thuốc đặt, kem bôi hay dung dịch vệ sinh vùng kín trong 2 ngày trước đó.
4. Thư giãn tinh thần: Tâm lý thoải mái giúp quá trình lấy mẫu nhẹ nhàng và hiệu quả hơn.
Những kỹ thuật dùng trong tầm soát ung thư cổ tử cung:
1. Khám phụ khoa và soi cổ tử cung: Bác sĩ sẽ đánh giá sơ bộ tình trạng của cổ tử cung thông qua quá trình khám. Sau đó, sử dụng máy soi cổ tử cung với độ phóng đại đặc biệt gấp 10 – 30 lần để phát hiện những tổn thương bất thường tại đây.
2. Giải phẫu bệnh: Ung thư cổ tử cung là bệnh lý có thể phát hiện sớm và điều trị hiệu quả nếu được tầm soát đúng cách. Trong đó, các kỹ thuật giải phẫu bệnh đóng vai trò then chốt trong việc phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư và ung thư.
– Pap smear (phết tế bào cổ tử cung):
+ Là kỹ thuật giải phẫu bệnh phổ biến nhất trong tầm soát, giúp phát hiện sớm tế bào bất thường trước khi trở thành ung thư.
+ Thực hiện định kỳ giúp giảm rõ rệt tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung.
+ Để hạn chế tối đa những nhược điểm của kỹ thuật Pap smear truyền thống, bệnh viện đã đầu tư hệ thông Cellprep và Thinprep Pap cho phép phát hiện hiệu quả và chính xác các bất thường của tế bào biểu mô.
Hình ảnh: Phiến đồ cổ tử cung bằng phương pháp Thinprep Pap
– Xét nghiệm HPV:
+ Phát hiện virus HPV nguy cơ cao – nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung.
+ Thường kết hợp với Pap smear để nâng cao độ chính xác.
– Sinh thiết và mô bệnh học: Khi phát hiện những tổn thương ở cổ tử cung trong quá trình soi cổ tử cung, bác sĩ sẽ bấm sinh thiết tại những vị trí này. Sau đó, mảnh sinh thiết sẽ được xử lý theo quy trình mô bệnh học làm thành tiêu bản và phân tích dưới kính hiển vi để xác định bản chất của tổn thương.
Hãy chủ động bảo vệ sức khoẻ ngay từ hôm nay để tránh nỗi lo cho mai sau.