I. ĐẠI CƯƠNG
– Ung thư bàng quang chủ yếu là ung thư biểu mô đường niệu xuất phát từ bàng quang, một số ít là ung thư của tổ chức liên kết như sarcoma cơ trơn, mạch máu. Theo GLOBOCAN 2018, ở Việt Nam ung thư bàng quang gặp 1.502 ca mới mỗi năm, đứng thứ 20 trong các loại ung thư. Nguyên nhân gây bệnh chưa xác định. Bệnh hay tái phát, điều trị gồm các phương pháp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị.
II. NGUYÊN NHÂN
– Nguyên nhân gây bệnh ung thư bàng quang hiện nay chưa xác định rõ ràng.
– Ung thư bàng quang phát triển khi các tế bào bình thường trong bàng quang bị đột biến. Thay vì phát triển và phân chia một cách có trật tự, các tế bào này phát triển bất thường, vượt khỏi tầm kiểm soát và không tự diệt đi. Chúng tập hợp lại thành một khối u.
– Các yếu tố nguy cơ
+ Lớn tuổi. Nguy cơ ung thư bàng quang tăng lên theo độ tuổi. Ung thư bàng quang có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào, nhưng hiếm khi gặp ở những người dưới 40 tuổi.
+ Người da trắng có nguy cơ ung thư bàng quang cao hơn so với những người thuộc chủng tộc khác.
+ Đàn ông có nhiều khả năng mắc ung thư bàng quang nhiều hơn so với phụ nữ.
+ Hút thuốc lá, xì gà hay ống điếu làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang bằng cách tạo ra các hóa chất có hại tích tụ trong nước tiểu. Khi hút thuốc, cơ thể xử lý các hóa chất trong khói và thải một số vào nước tiểu. Những hóa chất độc hại này gây tổn thương niêm mạc bàng quang và tăng nguy cơ ung thư.
+ Khi cơ thể tiếp xúc với hóa chất, thận đóng vai trò quan trọng trong việc lọc các chất độc hại từ máu và di chuyển chúng xuống bàng quang. Một số hóa chất có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang như asen, các chất sử dụng trong sản xuất thuốc nhuộm, cao su, da, dệt may và các loại sơn.
+ Tiền sử điều trị ung thư trước đó. Điều trị với thuốc chống ung thư cyclophosphamide (Cytoxan) làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Những người được xạ trị nhằm vào xương chậu để điều trị một bệnh ung thư trước đó có thể có nguy cơ cao phát triển ung thư bàng quang về sau.
+ Viêm bàng quang mạn tính, nhiễm trùng tiết niệu tái diễn, sử dụng ống thông đường tiểu lâu dài … có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang tế bào vảy. Bản thân hoặc tiền sử gia đình bị ung thư.
III. CHẨN ĐOÁN
– Lâm sàng:
+ Đái máu, đái nhiều lần, đái khó.
+ Đái buốt, có dấu hiệu tắc nghẽn đường niệu.
+ Giai đoạn muộn khi đã có di căn, trên lâm sàng có các triệu chứng của di căn tùy theo vị trí, giai đoạn bệnh.
+ Biểu hiện toàn thân: sốt, sút cân, thiếu máu.
– Các cận lâm sàng:
+ Soi bàng quang: Trong quá trình soi bàng quang, bác sĩ đưa một ống nội soi vào niệu đạo để quan sát niệu đạo và bàng quang.
+ Sinh thiết: Trong quá trình soi bàng quang, bác sĩ dùng một công cụ đặc biệt đưa qua niệu đạo vào bàng quang sinh thiết một mẫu mô nhỏ để thử nghiệm. Thủ thuật này đôi khi được gọi là cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo (transurethral resection of bladder tumor=TURBT).
+ Xét nghiệm tế bào học nước tiểu: Phân tích một mẫu nước tiểu dưới kính hiển vi để phát hiện các tế bào ung thư.
+ Chẩn đoán hình ảnh cho phép bác sĩ kiểm tra các cấu trúc của đường tiết niệu. Có thể dùng chất cản quang tiêm tĩnh mạch chụp UIV để làm nổi bật thận, niệu quản và bàng quang. Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) cho phép bác sĩ quan sát đường tiết niệu và các mô xung quanh tốt hơn.
IV. GIAI ĐOẠN
– Giai đoạn I: Ung thư ở giai đoạn này xảy ra trong lớp nội mạc của bàng quang, nhưng chưa xâm chiếm lớp cơ của thành bàng quang.
– Giai đoạn II: Ở giai đoạn này, ung thư đã xâm nhập vào thành bàng quang, nhưng vẫn còn giới hạn ở bàng quang.
– Giai đoạn III: Các tế bào ung thư đã lây lan xuyên qua thành bàng quang để xâm lấn mô xung quanh. Chúng có thể lan đến tuyến tiền liệt ở nam giới hoặc tử cung hay âm đạo ở phụ nữ.
– Giai đoạn IV: Ở giai đoạn này, tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết, di căn đến các cơ quan khác, như phổi, xương hoặc gan.
V. ĐIỀU TRỊ
– Nguyên tắc chung:
Điều trị theo giai đoạn bệnh và phối hợp đa mô thức.
– Các phương pháp điều trị ung thư bàng quang
+ Phẫu thuật: Cắt u (qua nội soi, hoặc mổ mở), cắt bàng quang triệt để vét hạch, cắt toàn bộ bàng quang, phẫu thuật tạo hình bàng quang. Giai đoạn muộn phẫu thuật mở thông bàng quang, dẫn lưu niệu quản.
+ Hóa trị: Hóa chất nội bàng quang hoặc toàn thân nhằm điều trị bổ trợ hoặc điều trị triệu chứng. Hóa chất nội bàng quang nên tiến hành sớm trong vòng 24 giờ, tốt nhất 2 giờ sau phẫu thuật. Các thuốc thường được sử dụng bao gồm BCG, mytomycin C, doxorubicin, epirubicin, cisplatin, gemcitabine…
+ Xạ tri.
VI. PHÒNG CHỐNG
– Mặc dù không có cách nào bảo đảm ngăn ngừa hoàn toàn ung thư bàng quang, có thể thực hiện các bước để giúp giảm nguy cơ. Ví dụ:
+ Không hút thuốc: Không hút thuốc lá sẽ giúp các hóa chất gây ung thư trong khói thuốc không thể tích tụ trong bàng quang của mình. Nếu không hút thuốc, nên tránh tập hút. Nếu đã hút thuốc, nên lập kế hoạch để bỏ thuốc. Các nhóm hỗ trợ, thuốc men và nhiều phương pháp khác có thể giúp bỏ thuốc lá.
+ Hãy cẩn thận với các hóa chất. Nếu làm việc với hóa chất, nên tuân thủ tất cả các hướng dẫn an toàn để tránh phơi nhiễm.
+ Uống nhiều nước trong ngày. Uống chất lỏng, đặc biệt là nước, để làm loãng các chất độc hại có thể tập trung trong nước tiểu và đào thải chúng ra khỏi bàng quang.
+ Chọn các loại rau củ quả. Chọn một chế độ ăn uống phong phú với một loạt các loại rau củ quả nhiều màu sắc. Các chất chống oxy hóa trong rau củ quả có thể giúp giảm nguy cơ ung thư.