Ngày Thị giác Thế giới là sự kiện thường niên được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Quốc tế về Phòng chống mù lòa (IAPB) tổ chức vào thứ Năm, tuần thứ 2 tháng 10 hàng năm, nhằm kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay chăm sóc và bảo vệ đôi mắt, vì một thế giới không có mù lòa.
Đây là năm thứ 17 Việt Nam tham gia hưởng ứng Ngày Thị giác Thế giới. Năm nay, Ngày Thị giác Thế giới sẽ diễn ra vào ngày 10/10/2019.
Theo thống kê, trên thế giới hiện có khoảng 314 triệu người mù và thị lực thấp, trong đó khoảng 45 triệu người mù, những người trên 50 tuổi chiếm tỷ lệ 80%. Cứ 5 giây thế giới có thêm một người bị mù, và cứ 1 phút thế giới có thêm 1 trẻ bị mù. 90% người mù sống ở các nước nghèo và đang phát triển với các điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn (Việt Nam được xếp trong nhóm các nước này).
Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém. 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng. Trên 80% tỷ lệ người mù ở Việt Nam có thể phòng, chữa được. Các nguyên nhân gây mù chính hiện nay qua điều tra cho thấy đục thể thủy tinh vẫn là nguyên nhân chủ yếu (chiếm tới 66,1%), tiếp đó là các bệnh lý đáy mắt, bệnh glôcôm, tật khúc xạ …
Chính vì vậy, để duy trì và nâng cao sức khỏe cho đôi mắt, chúng ta cần lưu ý thực hiện 1 số vấn đề sau:
1. Dinh dưỡng cân bằng
Chế độ dinh dưỡng hợp lí luôn là một trong những yếu tố được ưu tiên hàng đầu vì mắt luôn cần được bổ sung dưỡng chất từ bên trong. Do đó, chúng ta nên ăn uống đủ chất và ưu tiên những thực phẩm có lợi cho mắt giàu lutein, vitamin C, vitamin E, axit béo omega-3, kẽm, chất chống oxy hóa như: rau củ, trái cây có màu cam, vàng, đỏ, hoặc ngũ cốc, cá biển…
2. Tạo điều kiện cho mắt nghỉ ngơi
Không một đôi mắt nào có thể hoạt động liên tục mà vẫn sáng khỏe. Hãy cho mắt nghỉ ngơi sau mỗi 20 phút làm việc trước màn hình điện tử bằng cách nhắm mắt 20 giây và nhìn ra xa 6 mét. Nên ngồi thẳng khi xem tivi và có chiếu sáng trong phòng, nhưng tránh ánh sáng phản xạ trực tiếp màn hình. Đảm bảo mắt làm việc trong môi trường đủ ánh sáng. Ngoài ra, hãy ngủ đủ giấc và tránh thức khuya để đôi mắt luôn tràn đầy sức sống.
3. Bảo vệ mắt trước tác động có hại của môi trường
Khi đi ra ngoài, chúng ta nên trang bị cho mình loại kính râm có khả năng chống tia UV (tia cực tím) và giảm độ sáng chói tốt, vì nếu chiếu trực tiếp vào mắt, các tia UV có thể gây bỏng mắt, nóng rát mi mắt, khiến mắt cộm, ngứa, khô rát. Tình trạng này kéo dài có nguy cơ dẫn đến mù lòa. Ngoài ra, môi trường ánh sáng quá mạnh sẽ khiến mắt phải nheo và điều tiết liên tục, từ đó dễ gây mỏi mắt.
4. Tránh khói thuốc lá
Khói thuốc lá không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp, mà còn là tác nhân dẫn đến tình trạng khô mắt và suy giảm thị lực.
Bác sĩ nhãn khoa khuyến cáo người dân nên đi kiểm tra mắt định kỳ; người bình thường khám 1 lần/năm; khám sàng lọc các bệnh tật khúc xạ từ 3 – 6 tháng/lần; những bệnh nhân bị bệnh Glôcôm nên đo nhãn áp định kỳ; trong trường hợp khi có bất thường về mắt cần phải đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.