Glucocorticoid tự nhiên do vùng bó vỏ thượng thận sản suất ra gồm có 2 chất là hydrocortison (cortisol) và cortison. Glucocorticoid tổng hợp gồm có nhiều chất khác nhau.
Ở nồng độ sinh lý, các chất này cần này cần cho cân bằng nội mô, tăng sức chống đỡ của cơ thể với stress và duy trì các chức năng khác của cơ thể. Chúng được chỉ định trong nhiều bệnh: điều trị thay thế khi vỏ thượng thận không đủ tiết hormon; điều trị các bệnh tự miễn (bệnh collagen) như: lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, thấp tim và dùng trong các phẫu thuật cấy ghép cơ quan để chống phản ứng loại mảnh ghép của cơ thể; điều trị dị ứng, sốc phản vệ và các bệnh liên quan đến phản ứng dị ứng như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, mày đay, viêm da tiếp xúc…; điều trị viêm cơ, khớp, viêm da…
Tuy nhiên, việc sử dụng glucocorticoid cũng đối mặt với nhiều tác dụng không mong muốn mà một trong các tác dụng phụ nghiêm trọng là biến chứng trên xương trong điều trị dài ngày bằng corticosteroid.
Glucocorticoid có thể làm mất mật độ khoáng xương, gây loãng xương thậm chí ngay cả với liều thấp, do đó làm tăng nguy cơ gãy xương và làm gãy xương khi sử dụng thời gian dài. Việc phát hiện vai trò của viêm làm gia tăng nguy cơ gãy xương độc lập với việc sử dụng glucocorticoid càng gây khó khăn trong việc đánh giá tình trạng loãng xương và tiên lượng nguy cơ gãy xương ở người bệnh.
Một số đối tượng có nguy cơ gãy xương cao khi sử dụng GC kéo dài như người cao tuổi, phụ nữ hậu mãn kinh, người có bệnh mắc kèm như viêm khớp dạng thấp, bệnh nhân sử dụng liều cao GC và người có mật độ khoáng xương thấp. Với những bệnh nhân này tốt hơn hết không nên dùng GC mà sử dụng liệu pháp thay thế khác. Chỉ nên sử dụng GC khi lợi ích vượt quá nguy cơ và nên lựa chọn liều GC thấp nhất có thể, dùng trong thời gian ngắn nhất có hiệu quả. Riêng đối với người già, thường có tình trạng lạm dụng thuốc benzodiazepin để chống mất ngủ, cần lưu ý thêm glucocorticoid có thể làm yếu cơ cộng với tác dụng làm mềm cơ trung ương của benzodiazepin do đó nguy cơ gây ngã rất cao, làm gia tăng nguy cơ gãy xương trên đối tượng này khi sử dụng GC dài ngày.
Đối với việc sử dụng các thuốc biphosphonates trong liệu pháp điều trị chống loãng xương do GC, cần lưu ý đến tác dụng phụ gây hoại tử xương hàm (BRONJ) do gây mất cân bằng chuyển hóa xương. Nhằm phát hiện kịp thời và có quyết định điều trị đúng đắn, thầy thuốc cần hướng dẫn người bệnh cách chăm sóc răng miệng, súc miệng kháng khuẩn bằng chlorhexidine và chú ý đến sự xuất hiện những triệu chứng lâm sàng ban đầu (như đau răng, đau âm ỉ trong thân xương hàm dưới, đau vùng xoang hàm, rối loạn cảm giác…) để được xử trí răng miệng phù hợp hoặc chỉ định dùng thuốc giảm đau, kháng sinh (nếu cần). Trường hợp nặng có thể phải cần phẫu thuật để lấy bỏ mảnh xương hoại tử và làm sạch xương, thậm chí phải cắt đoạn xương hàm đã hoại tử.
Đối với việc sử dụng thuốc teriparatide, do chưa được đưa vào danh mục thuốc được quỹ BHYT chi trả, vì vậy các đơn vị KCB chưa được chỉ định sử dụng thuốc này trong các liệu pháp chống loãng xương do GC đối với bệnh nhân BHYT. Đây là thuốc đã chứng minh được hiệu quả vượt trội làm giảm số trường hợp gãy xương đốt sống thấp hơn đáng kể so với alendronate, vì vậy đề nghị Bộ Y tế căn cứ các thử nghiệm lâm sàng đã công bố, xem xét phê duyệt cho phép sử dụng và thanh toán thuốc teriparatide theo chế độ BHYT để đáp ứng nhu cầu thiết thực của người bệnh.
[embeddoc url=”http://benhvienungbuounghean.vn/wp-content/uploads/2018/12/File2.-BChung_Xuong_GC.-WEB.doc” download=”all” viewer=”microsoft”]