BỆNH VIỆN UNG BƯỚU NGHỆ AN HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI VÀ NGÀY TOÀN DÂN PHÒNG CHỐNG MA TÚY 26/6

Ngày Thế giới phòng chống ma túy 26/6 là một ngày kỷ niệm được Liên Hợp Quốc chọn để tôn vinh hoạt động phòng chống ma tuý, được thông qua vào năm 1987. Tại Việt Nam, theo Quyết định số 93/2001/QĐ-TTg ngày 13/6/2001 của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm lấy tháng 6 là “Tháng hành động phòng, chống ma túy” và ngày 26/6 là “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống ma túy và tác hại của của tệ nạn ma túy để tự phòng, chống làm giảm tệ nạn ma túy trong đời sống xã hội. Từng bước đẩy lùi và xóa bỏ tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội, tạo môi trường lành mạnh, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Chủ đề phòng chống ma túy của năm nay là “Phòng, chống ma túy quyết liệt, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm, chủ động phối hợp – Vì một cộng đồng sạch ma túy”.

 

 

 

Theo Tổ chức Liên Hợp Quốc, ma túy là “Các chất có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm thay đổi trạng thái tâm sinh lý của người sử dụng”. Luật Phòng, chống ma tuý số 73/2021/QH14 của Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 30/3/2021, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 cũng đưa khái niệm về chất ma túy như sau: “Chất ma tuý là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành”.

Ma túy là tên gọi chung chỉ những chất kích thích khi dùng một lần có thể gây nghiện. Đây là hiểm họa đối với bất kỳ quốc gia, dân tộc nào. Mặc dù ma túy có thể có nguồn gốc khác nhau nhưng đều có một đặc điểm chung là khi đưa vào cơ thể sẽ làm thay đổi trạng thái nhận thức và sinh lý của con người. Ma túy có nhiều loại như ma túy tự nhiên, ma túy bán tổng hợp và ma túy tổng hợp, thường được đối tượng buôn bán ngụy trang một cách tinh vi, lôi kéo người sử dụng dẫn đến nghiện ngập. Đáng báo động là đối tượng sử dụng ma túy có ở tất cả các độ tuổi và tầng lớp xã hội, tập trung nhiều ở thanh thiếu niên.

    – Tác hại của ma túy:

    + Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Việc hút ma túy ảnh hưởng đến hệ hô hấp, hệ tim mạch, hệ thần kinh, hệ sinh dục,…Ngoài ra, người nghiện ma túy còn có khả năng bị nhiễm HIV/AIDS và có khả năng tử vong cao.

    + Khi nghiện, người nghiện thường không tập trung làm việc, học tập dẫn đến kết quả học tập, làm việc sa sút nên dễ dẫn đến chán nản, họ dễ bị kích động và trầm cảm, gây rạn nứt tình cảm gia đình và ngày càng thu hẹp khoảng cách với các thành viên trong gia đình.

Mặt khác, hậu quả của tệ nạn ma túy đối với xã hội cũng hết sức nặng nề như: ngày càng gia tăng các tệ nạn xã hội khác như (trộm cắp, giết người, mại dâm,…), giảm năng suất lao động, gia tăng các chi phí phát sinh trong việc khắc phục hậu quả của ma túy, lan truyền các bệnh như HIV/AIDS, viêm gan,.. và suy thoái nòi giống.

 

Tệ nạn ma tuý đang là hiểm hoạ của các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới; là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội và lây nhiễm HIV/AIDS. Hậu quả, tác hại do tệ nạn ma tuý gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế – xã hội và an ninh trật tự của đất nước. Phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với tệ nạn ma tuý là trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội.

Quản lý chặt chẽ, ngăn chặn thành viên trong gia đình tham gia tệ nạn ma tuý; Khi phát hiện các hành vi mua bán, sử dụng, trồng cây có chưa chất ma tuý cần báo ngay cho cơ quan công an hoặc cơ quan có thẩm quyền.

Thực hiện đúng chỉ định của thầy thuốc về sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần để chữa bệnh (Nếu có sử dụng).

Tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma tuý tại các cơ sở cai nghiện và tại cộng đồng; theo dõi, giúp đỡ người đã cai nghiện ma tuý hoà nhập cộng đồng; phòng chống tái nghiện.

Vì một xã hội tươi đẹp hơn “Hãy nói không với ma túy”!