Thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, làm con người dễ mắc bệnh, nặng có thể dẫn đến tử vong.
Nắng nóng và những nguy cơ
Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao kéo dài ảnh hưởng tới hầu hết các vật thể sống. Nguyên nhân là do nắng nóng làm cơ thể dễ mất nước, suy nhược, chóng mặt, đánh trống ngực và ngất xỉu. Kiệt sức do nhiệt xảy ra khi cơ thể bị mất nước và muối qua mồ hôi quá nhiều mà không kịp bồi phụ nước. Cảm nhiệt thường xảy ra khi cơ thể mất khả năng tự làm mát. Nếu không điều trị, kiệt sức vì nóng có thể tiến đến đột quỵ nhiệt, có thể gây chết người.
Đặc biệt trẻ em là đối tượng dễ gặp phải các bệnh do nắng nóng, đặc biệt là mất nước. Bởi khi chơi ngoài trời trẻ không có ý thức bổ sung nước thường xuyên cho cơ thể, chỉ đến khi quá khát lại uống rất nhiều nước.
Trong những ngày trời nắng nóng, hãy thay đổi thói quen như tập thể dục trong nhà sẽ an toàn hơn khi tập thể dục ngoài trời. Sắp xếp làm các công việc phải làm ngoài trời vào sáng sớm hoặc buổi chiều muộn khi nhiệt độ ngoài trời mát mẻ hơn. Cần bổ sung nước hoặc biết những dấu hiệu của mất nước do nhiệt độ cao, điều có thể xảy ra khi tập luyện hay làm việc trong thời tiết nắng nóng.
Một số lời khuyên để bảo vệ sức khỏe khi nắng nóng
Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo:
Những ngày trời nóng, nên uống nhiều nước hơn bình thường. Nắng nóng làm con người đổ mồ hôi nhiều hơn, nên uống nước trước khi cảm thấy khát để tránh mất nước.
Nếu phải làm việc ngoài trời hoặc tập thể dục nên uống từ 2-4 ly nước mỗi giờ, không nên bổ sung nước bằng nước ngọt hay đồ uống có cồn.
Người trên 65 tuổi và trẻ sơ sinh, không nên ra ngoài trong thời tiết nắng nóng. Nếu người già có những triệu chứng như chuột rút, đau đầu, buồn nôn cần gọi sự giúp đỡ ngay.
Cần đảm bảo trẻ em được cung cấp đủ nước vào những ngày nắng nóng tránh tình trạng thiếu nước khi chơi ngoài trời
Không nên để trẻ trong xe ô tô một mình, dù chỉ trong thời gian ngắn.
Khi nghi ngờ bị các bệnh do nắng nóng: cần đưa người bệnh vào chỗ mát, nằm xuống, uống nước, làm mát da bằng cách áp những miếng vải ướt lên vùng da.
Những điều tuyệt đối không được làm khi bị say nắng, kiệt sức do nắng hay đột quỵ do nhiệt:
Từ chối hoặc không gọi hỗ trợ y tế: đây là một quyết định sai lầm và gây hậu quả nghiêm trọng nếu bệnh nhân bị đột quỵ do nhiệt, hoặc có đấu hiệu sốc, co giật, mất ý thức.
Sử dụng thuốc tùy tiện: khi cảm thấy không khỏe, cụ thể trong trường hợp say nắng, nhiều người thường sử dụng thuốc aspirin hoặc acetaminophen. Hành động này sẽ làm bệnh nặng thêm bởi đây là 2 loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, gây ra vấn đề nghiêm trọng tới sức khỏe bởi khi đó da của người bệnh có thể đang cháy nắng dẫn tới phồng rộp.
Không cho bất cứ thứ gì qua đường miệng của người bệnh trong trường hợp họ đang bất tỉnh hoặc nôn mửa, vì có nguy cơ gây ngạt.
Nhiều người thường cho rằng chà xát lên cơ thể bằng rượu, làm hạ nhiệt nhanh. Điều này rất nguy hiểm với người bệnh bởi rượu làm cơ thể hạ nhiệt quá nhanh dẫn đến biến động nhiệt mạnh trong cơ thể. Tốt nhất hạ nhiệt cơ thể người bệnh bằng nước lạnh thường.
Bổ sung nước và chất điện giải là đúng nhưng không nên uống quá nhanh, quá nhiều, có thể gây sốc. Nên tuân thủ hướng dẫn của y bác sĩ.
Điều quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe trong thời tiết khắc nghiệt này là mỗi người cần tăng cường hiểu biết để phòng bệnh, có cách xử trí phù hợp để bảo vệ sức khỏe bản thân hay trong trường hợp có người cần trợ giúp.