An toàn khử khuẩn trong nội soi – Vấn đề quan trọng trong phòng tránh lây nhiễm chéo

Nội soi tiêu hóa là một phương pháp chẩn đoán và điều trị phổ biến, tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo giữa bệnh nhân do việc sử dụng lại thiết bị nội soi nếu không được khử khuẩn đúng quy trình. Vi khuẩn, virus như Helicobacter pylori, Mycobacterium tuberculosis, Pseudomonas aeruginosa, HBV, HCV có thể tồn tại trên dụng cụ và gây bệnh nếu quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn không được thực hiện nghiêm ngặt.

 

I. Nguy cơ lây nhiễm chéo trong nội soi

1. Đường lây nhiễm:

• Tiếp xúc trực tiếp qua ống nội soi chưa được khử khuẩn hoàn toàn.

• Dụng cụ sinh thiết, kẹp, dây cắt điện chưa tiệt trùng đúng cách.

• Dịch cơ thể còn sót lại trên dụng cụ nội soi.

• Nhiễm khuẩn từ nhân viên y tế hoặc bề mặt tiếp xúc.

2. Các tác nhân gây bệnh thường gặp:

• Vi khuẩn: Helicobacter pylori, Mycobacterium spp, Pseudomonas aeruginosa.

• Virus: Viêm gan B (HBV), Viêm gan C (HCV), HIV.

• Nấm: Candida spp.

II. Quy trình khử khuẩn và tiệt khuẩn trong nội soi

Bệnh viện Ung bướu Nghệ An tuân thủ nghiêm ngặt quy trình làm sạch và khử khuẩn thiết bị nội soi theo quy định. Quy trình này được áp dụng nhằm đảm bảo an toàn và giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn cho người bệnh trong quá trình nội soi.

1. Các bước cơ bản trong khử khuẩn nội soi

Làm sạch ban đầu ngay sau khi nội soi:

• Sau khi thăm khám xong, tiến hành rửa dây soi và ngâm dây soi vào dung dịch tẩy rửa, ấn nút để rửa sạch các chất cặn bám ở trong lòng kênh.

• Bơm nước phụt rửa các kênh.

• Tháo máy khỏi nguồn và mang đến khu vực tẩy rửa.

• Tháo hết các phụ kiện trên máy soi.

• Kiểm tra rò rỉ.

• Rửa máy bằng chất tẩy rửa, dùng bàn chải để chải tất cả các kênh, dây và phụ kiện.

• Các phụ kiện khó rửa bằng bàn chải thì phải cho vào máy rửa siêu âm sau khi ngâm trong dung dịch tẩy rửa.

• Rửa sạch hoá chất bám trên máy soi (tất cả các bước đến giai đoạn này đều phải rửa bằng tay và bằng nước sạch vô khuẩn).

Quy trình khử khuẩn được thực hiện một cách nghiêm ngặt

Khử khuẩn mức độ cao:

• Ngâm máy soi và tất cả phụ kiện vào dung dịch tẩy rửa, phụt rửa kỹ các kênh bằng dung dịch tẩy rửa tất cả bề mặt lòng kênh được tiếp xúc với hoá chất.

• Làm theo khuyến cáo của nhà sản xuất về thời gian ngâm, khử khuẩn máy theo từng loại chất tẩy rửa.

Ngâm khử khuẩn máy nội soi

Tráng máy và làm khô:

• Phải tráng thật kỹ máy soi và các phụ kiện bằng nước sạch vô khuẩn.

• Làm khô máy soi bằng cách xịt mạnh khí qua các kênh.

• Dùng khăn sạch hoặc cồn 70-90% hoặc isopropyl alcohol để lau khô bề mặt máy soi.

Bảo quản trong tủ vô trùng:

  • Đặt ống nội soi ở vị trí treo hoặc tủ khử khuẩn.
  • Tránh tiếp xúc với môi trường bên ngoài để hạn chế tái nhiễm khuẩn.

      

  Tủ bảo quản máy nội soi

2. Các tiêu chuẩn và hướng dẫn quốc tế về khử khuẩn nội soi

• Hướng dẫn của CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ).

• Tiêu chuẩn của SGNA (Society of Gastroenterology Nurses and Associates).

• Hướng dẫn từ ESGE-ESGENA (Hiệp hội Nội soi Tiêu hóa châu Âu).

III. Giải pháp cải thiện an toàn trong nội soi

1. Tuân thủ quy trình khử khuẩn nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế.

2. Sử dụng máy rửa nội soi tự động để giảm sai sót của con người.

3. Đào tạo và giám sát nhân viên y tế về an toàn kiểm soát nhiễm khuẩn.

4. Cải thiện hệ thống bảo quản nội soi bằng tủ khử khuẩn chuyên dụng.

5. Nghiên cứu và ứng dụng nội soi sử dụng một lần để giảm nguy cơ lây nhiễm.

IV. Kết luận

An toàn khử khuẩn trong nội soi đóng vai trò quan trọng trong phòng tránh lây nhiễm chéo. Việc tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn không chỉ bảo vệ bệnh nhân mà còn đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế. Sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại, đào tạo chuyên sâu và tuân thủ chặt chẽ quy trình có thể giúp giảm thiểu tối đa rủi ro trong nội soi tiêu hóa.

 

Tác giả: BS. Trần Đình Tín, Phó Trưởng Khoa Nội soi – Thăm dò chức năng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *