Trên thế giới hiện nay có 1/3 dân số đã bị nhiễm lao, riêng khu vực châu Á Thái Bình Dương có tới 44% dân số đã nhiễm lao, tuy nhiên chỉ có 5-10% những người nhiễm lao chuyển thành mắc bệnh lao trong cuộc đời. Vi khuẩn lao sẽ phát triển mạnh khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy giảm như nhiễm HIV, cơ thể suy nhược, các bệnh lý ung bướu…
Bệnh lao là gì?
Bệnh lao do một loại vi khuẩn gọi là Mycobacterium tuberculosis gây ra khi vi khuẩn này lây lan từ người này sang người khác qua đường hô hấp. Vi khuẩn sẽ xâm nhập, phát triển ở nhiều cơ quan gây ra nhiều dạng bệnh lao như: Lao bạch huyết, lao hệ tuần hoàn, lao màng não, lao xương khớp, lao phổi…. Trong đó, lao phổi chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 85%.
Khi mới xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn lao ẩn nấp tại các cơ quan nội tạng. Đây là giai đoạn đầu, thời kì ủ bệnh vì thế các triệu chứng của bệnh lao cũng chưa xuất hiện. Thời gian ủ bệnh từ vài tháng đến vài năm tùy theo sức đề kháng và khả năng miễn dịch của cơ thể. Chúng cư trú trong cơ thể và chờ đợi cơ hội bùng phát thành bệnh. Khi hệ miễn dịch của người mang vi khuẩn lao bị suy yếu như người đó bị bệnh ung thư, HIV/AIDS,…bệnh lao sẽ có dấu hiệu chuyển biến phức tạp. Các triệu chứng của bệnh lao sẽ bắt đầu biểu hiện.
Tại sao người bị ung thư lại dễ nhiễm vi khuẩn lao?
– Những người bị ung thư hoặc đang điều trị thường có nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn so với người bình thường. Các tác nhân gây nhiễm khuẩn có thể là virus, vi khuẩn trong đó có vi khuẩn lao, nấm. Nhiễm khuẩn là một trong những biến chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân ung thư.
– Khi bị ung thư, người bệnh thường phải điều trị bằng nhiều phương pháp như hóa trị, xạ trị, hoá xạ trị đồng thời. Trong đó hóa trị là quá trình tiêu diệt hoặc kìm hãm các tế bào ung thư bằng thuốc, các thuốc dùng trong hóa trị có nhược điểm chung là gây suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể, cụ thể là số lượng bạch cầu bị giảm đáng kể, cơ thể không còn khả năng tự bảo vệ khỏi những tác nhân gây bệnh thông thường làm cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể người bệnh hơn.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh lao
Trong thời gian ủ bệnh, người bệnh gần như không có các triệu chứng cụ thể nào. Chỉ sau khi bệnh phát triển, các triệu chứng mới bắt đầu xuất hiện. Triệu chứng lao thường rất dễ nhầm lẫn với triệu chứng của viêm họng, viêm phổi, ho hay đau họng bình thường. Một số triệu chứng điển hình mà người bệnh nên biết bao gồm:
– Ho kéo dài: Đây là triệu chứng của bệnh phổi cấp và mãn tính. Ho có thể do nhiều nguyên nhân .Trong trường hợp ho trên 3 tuần, có sử dụng kháng sinh nhưng vẫn ho dai dẳng, không giảm thì nguy cơ mắc bệnh lao là rất lớn.
– Khạc đờm: Khi phế quản hay phổi bị kích thích, viêm nhiễm hoặc gặp các tổn thương bất thường sẽ làm tăng xuất tiết dẫn hình thành đờm.
– Ho ra máu: Đây là triệu chứng xuất hiện khi có tổn thương, chảy mú trong đường hô hấp.
– Đau ngực, khó thở: Ho nhiều sẽ gây ức chế lên phế quản, dẫn đến tình trạng khó thở, đau ngực.
– Gầy sút cân: Những người gầy sút cân không rõ nguyên nhân, không phải do tiêu chảy, suy dinh dưỡng…Nhưng có các triệu chứng hô hấp thì nên đi khám ngay.
– Sốt về chiều: Sốt nhẹ kèm theo gai rét kéo dài, đổ mồ hôi Cần nghĩ tới khả năng mắc bệnh lao.
– Cơ thể mệt mỏi: Mệt mỏi là triệu chứng thường gặp khi cơ thể bị vi khuẩn tấn công và khi nhiễm vi trùng lao cũng không phải ngoại lệ.
Chẩn đoán và điều trị lao
⁎ Chẩn đoán:
– Lâm sàng:
+ Tiền sử: Tiếp xúc với đối tượng nguy cơ cao nhiễm hoặc mắc bệnh lao.
+ Khởi phát bệnh: từ từ, có trường hợp không có triệu chứng lâm sàng.
+ Toàn thân: sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi đêm, mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, sút cân.
+ Ho kéo dài, ho ra máu, khạc đờm…
+ Đau ngực: đau âm ỉ, hay gặp ở vùng đỉnh phổi.
– Cận lâm sàng:
+ Nuôi cấy.
+ Xquang ngực
+ Chẩn đoán nhanh bằng xét nghiệm AFB trực tiếp nhuộm ziehl neelsen
⁎ Điều trị và phòng bệnh:
+ Dùng phối hợp thuốc, đúng, đủ, đều theo hướng dẫn của cán bộ y tế để chữa dứt điểm bệnh là phòng kháng thuốc.
+ Không tự ý ngưng, thêm hoặc đổi thuốc.
+ Thực hiện các biện pháp phòng lây bệnh cho những người xung quanh.
+ Tập luyện thể duc thể thao, sinh hoạt điều độ, ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để giúp chống đỡ bệnh tốt hơn.
+ Không khạc nhổ bừa bãi. Che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn tay hoặc khăn giấy. Giặt sạch khăn tay bằng xà phòng rồi luộc sôi hoặc đốt khăn giấy.
+ Mở cửa sổ để không khí được thông thoáng.
+ Hạn chế tiếp xúc gần với trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai, người ốm yếu.
Kết luận:
Lao là một bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan cho cộng đồng rất lớn, điều trị bệnh lý về ung bướu đã quan trọng nhưng điều trị lao còn quan trọng hơn, vì vậy việc chẩn đoàn sớm lao bằng xét nghiệm AFB trực tiếp nhuộm ziehl neelsen tại Bệnh viện ung bướu Nghệ An đã giúp ích rất nhiều cho người bệnh cũng như bác sĩ điều trị. Đặc biệt bệnh nhân điều trị lao được điều tri miễn phí theo chương trình phòng chống lao quốc gia, do đó sẽ chủ động cho vấn đề điều trị ung thư kết hợp điều trị lao cho người bệnh.