Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) là một đại dịch toàn cầu và. Thay vì hoang mang, lo lắng, chúng ta hãy chủ động bảo vệ sức khỏe cho mình. Bên cạnh nhiều biện pháp khác thì dinh dưỡng đúng đủ đó là giải pháp nâng cao miễn dịch và sức đề kháng không thể thiếu cho những người bệnh ung thư hiện nay. Dưới đây là một số biện pháp cụ thể về chăm sóc dinh dưỡng hợp lý và bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm góp phần giúp người bệnh phòng chống dịch Covid -19:
1. Chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho người bệnh
a: Cung cấp đủ chất đạm (protein) cho cơ thể, vì đây là nguyên liệu quan trọng để tạo nên các kháng thể, giúp cơ thể duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh và nhanh lành bệnh. Đạm có nhiều trong các loại thịt, cá, trứng, sữa và đậu đỗ.
b: Cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết giúp người bệnh tăng cường hệ miễn dịch
– Vitamin A và Beta-caroten: vitamin A người ta còn gọi là “vitamin chống nhiễm khuẩn, virus”, đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch đường hô hấp. Thực phẩm giàu vitamin A gồm: gan động vật, lòng đỏ trứng. Các loại rau và trái cây cũng chứa nhiều Beta-caroten (tiền chất của Vitamin A) như: cà rốt, khoai lang, bí ngô, đu đủ, và các loại quả có màu vàng/ màu đỏ…
– Vitamin C: chìa khóa để tăng cường sức đề kháng, bởi Vitamin C làm tăng sự sản xuất bạch cầu, giúp tăng cường hệ miễn dịch thông qua hỗ trợ sản xuất interferon (loại protein chống lại tác nhân gây bệnh, là thành phần đạm quan trọng của hệ miễn dịch). Đây là chất dinh dưỡng giúp ức chế sự tổng hợp của virus mới, từ đó có tác dụng chống lại virus xâm nhập. Nguồn thực phẩm giàu vitamin C đến từ trái cây và rau tươi như: cam, quýt, bưởi, nho, cà chua, súp lơ, củ cải, ớt chuông…
– Vitamin E: vitamin E làm tăng tính miễn dịch bằng cách bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương, do đó tăng sức đề kháng của cơ thể với các bệnh nhiễm khuẩn. Thực phẩm giàu vitamin E chủ yếu có nguồn gốc thực vật như dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu ô liu, các loại hạt và các loại rau có lá màu xanh đậm.
– Vitamin D: là một vitamin tan trong chất béo, có liên quan đến các chức năng khác nhau của hệ thống miễn dịch, tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Nguồn chính của Vitamin D là tổng hợp ở da dưới ảnh hưởng của bức xạ tia cực tím mặt trời. Do đó, mỗi ngày cần tắm nắng từ 15-30 phút và tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D như gan cá, lòng đỏ trứng, cá, hải sản…
– Selen: là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp tăng cường khả năng chống nhiễm trùng cho cơ thể. Nguồn cung cấp selen là các loại thực phẩm như gạo nâu, lúa mạch, cá, tôm, rong biển…
– Sắt và Kẽm: Sắt và kẽm giúp duy trì hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch. Các loại động vật có vỏ và hải sản như: hàu, cua… là nguồn cung cấp kẽm vô cùng phong phú. Bên cạnh đó, gan động vật và thịt nạc cũng rất giàu sắt, cơ thể có thể dễ dàng hấp thụ.
c: Tăng cường sử dụng một số thực phẩm/gia vị chứa các hoạt chất đặc biệt giúp tăng cường miễn dịch như: tỏi, gừng, hành, nghệ, sả,…
– Tỏi: Đứng đầu trong danh sách các thực phẩm để phòng cúm. Có thể sử dụng tỏi tươi trong nấu ăn hàng ngày. Một người nên ăn từ 1-3 tép tỏi 1 ngày. Chế biến tỏi nên đập dập hoặc cắt lát tỏi sau đó đợi 10-15 phút rồi hãy chế biến nhằm giữ lại tối đa công dụng của tỏi.
– Gừng: Gừng có tính năng giúp giảm viêm, giảm đau họng và một số bệnh viêm khác. Ngoài ra nó còn giúp giảm cảm giác buồn nôn. Chế biến gừng vô cùng đa dạng, có thể dùng như gia vị trong bữa ăn, hoặc có thể dùng nấu chín, các gia vị ăn kèm, hoặc pha trà gừng để uống.
2. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
– Sử dụng tạp dề, găng tay, khẩu trang khi chế biến các sản phẩm thịt, trứng gia cầm.
– Sử dụng dao và thớt riêng cho đồ sống và đồ chín.
– Ăn chín, uống sôi: Các loại thịt, cá, trứng phải được nấu chín hoàn toàn. Để riêng thực phẩm sống, chín. Thực phẩm tươi chưa sử dụng phải cất ngăn đá tủ lạnh. Thực phẩm đã nấu chưa ăn ngay phải cất ngăn mát tủ lạnh.
– Rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn có cồn trước khi ăn, trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với bề mặt có nguy cơ.
3. Uống nước đúng cách phòng chống dịch Covid -19
– Cơ thể hàng ngày cần khoảng 2 – 2,5 lít nước từ thực phẩm và đồ uống để bù lại lượng nước mất qua các con đường khác nhau. Nhu cầu này phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể, hoạt động thể lực: trung bình: 40ml/kg/ngày.
– Cần uống nước sạch, nước đun sôi để hơi nguội, không uống nước nhiều trước khi đi ngủ; không nên uống nước ngọt thay cho nước lọc. Hạn chế bia, rượu, cafe.
4. Một số nguyên tắc vệ sinh khác
– Đeo khẩu trang: đúng kỹ thuật khi ra ngoài, đến chỗ đông người, tiếp xúc với người khác. Hạn chế tụ tập đông người để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
– Không dùng chung đồ dùng cá nhân: như khăn mặt, bàn chải răng, cốc uống nước.
– Tránh để tay tiếp xúc với mặt, mắt, miệng: Trong thời gian còn dịch bệnh, nên hạn chế bắt tay hoặc ôm người khác. Nên dùng khăn giấy sạch khi cần dụi mắt hoặc lau vết bẩn. Hãy rửa tay đúng cách với xà phòng và nước ấm hoặc dùng nước rửa tay khô trước khi đeo găng tay. Thường xuyên vệ sinh đường hô hấp trên thông thoáng, sạch sẽ bằng nước súc miệng, hoặc nước muối sinh lý.
– Cẩn thận khi chạm vào các đồ vật: nên chú ý đến các vật dụng, hoặc các vị trí hay được mọi người thường xuyên tiếp xúc, sử dụng ở nơi công cộng như: tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, hay bất kỳ đồ vật nào có bề mặt tiếp xúc với tay, vì thế nên đeo găng tay khi đến các nơi công cộng như siêu thị, công viên.
Điều cuối cùng đặc biệt quan trọng đó là bất cứ ai có triệu chứng sốt, ho, khó thở thì đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.