Với mục tiêu phát triển kỹ thuật, hoàn thiện và nâng cao khả năng chẩn đoán và điều trị ung thư, chiều ngày 10/09/2020 tại Hội trường 3 – Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã phối hợp với Cônga ty Cổ phần Giải pháp Gene tổ chức buổi Sinh hoạt khoa học với chủ đề “Các xét nghiệm Gene tầm soát Ung thư di truyền”. Chương trình nằm trong khuôn khổ định hướng của Bệnh viện Ung bướu Nghệ An về phát triển khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y tế.
Chủ trì Hội thảo là PGS.TS. Nguyễn Quang Trung – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, cùng tham dự có Ths.BS. Nguyễn Viết Bình – Phó Giám đốc bệnh viện, Ths.DS Ngô Trí Diễm – Phó Giám đốc bệnh viện và tất cả các bác sĩ, dược sỹ đại học trong toàn viện.
Về phía Công ty Cổ phần Giải pháp Gene có DS. Trần Văn Lập, BS. Nguyễn Thị Lan Phương và các chuyên gia cùng đoàn.
Xét nghiệm Gene tầm soát ung thư di truyền ước tính nguy cơ mắc phải ung thư của một người liên quan đến gene di truyền trong gia đình. Cơ chế của xét nghiệm này là tìm kiếm và phát hiện những bất thường cụ thể trong bộ gene, nhiễm sắc thể hoặc protein của người bệnh. Những bất thường này được gọi là đột biến gene. Các xét nghiệm gene tầm soát ung thư di truyền nhằm mục đích dự đoán nguy cơ mắc một căn bệnh cụ thể, phát hiện một số gene có khả năng di truyền cho đời con, cung cấp thêm thông tin hỗ trợ chẩn đoán bệnh…
Trong một nghiên cứu mới về di truyền, các nhà khoa học công bố ít nhất 12 loại ung thư có thể di truyền và khoảng 50% số con sẽ nhận di truyền các tổn thương gen từ bố mẹ. Trong số 12 loại ung thư phổ biến, đột biến gene di truyền cao nhất là ung thư buồng trứng (19%), tiếp theo là ung thư dạ dày (11%) và ung thư vú (9%); Ung thư tuyến tiền liệt, đầu và cổ, thần kinh đệm và phổi 1 có tỷ lệ đột biến di truyền là 8%; Ung thư nội mạc tử cung và ung thư phổi 2 đều có tỷ lệ đột biến 7%, trong khi u nguyên bào đệm và bệnh bạch cầu tủy cấp có tỷ lệ 4%.
Phát biểu tại buổi sinh hoạt khoa học, PGS.TS. Nguyễn Quang Trung – Giám đốc bệnh viện Ung bướu Nghệ An nhấn mạnh: Theo thống kê, hiện nay có đến 70% bệnh nhân được phát hiện ung thư khi đã ở giai đoạn muộn khiến tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam rất cao. Việc sàng lọc sớm được coi là “chìa khóa vàng” để phát hiện và đưa ra các phương pháp ngăn chặn, giảm nguy cơ tử vong và chi phí cho người bệnh.
Buổi sinh hoạt khoa học với chủ đề “Các xét nghiệm Gene tầm soát Ung thư di truyền” mang đến những kiến thức về di truyền học và giúp người nghe có cái nhìn đầy đủ hơn về xét nghiệm gene, đồng thời hiểu rõ hơn về vai trò của công nghệ gene này trong công tác tầm soát ung thư sớm để có biện pháp phòng bệnh hiệu quả.