Một số câu hỏi thường gặp:
Xạ trị là gì?
Ai là người điều trị xạ trị cho bệnh nhân?
Bệnh nhân xạ trị có cần cách ly vớinhững người xung quanh?
Sự khác biệt về liều bức xạ của điều trị xạ trị so với chụp chẩn đoán?
Xạ trị có phải là phương pháp an toàn và hiệu quả?
Một số tác dụng phụ của xạ trị?
Bệnh nhân đang mang thai có thể điều trị xạ trị? Xạ trị có ảnh hưởng đến việc có con sau này?
- Xạ trị là gì?
Xạ trị là một trong những phương pháp phổ biến nhất trong điều trị ung thư. Phương pháp này sử dụng các hạt hoặc sóng có năng lượng cao như: tia X, tia Gamma, các chùm tia điện tử, proton… để tiêu diệt hoặc phá hỏng các tế bào ung thư.
Xạ trị có thể được tiến hành độc lập hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác như: phẫu thuật, hóa trị. Trên thực tế, có những loại thuốc làm tế bào ung thư trở nên nhạy với bức xạ hơn, nhờ đó giúp phương pháp xạ trị tiêu diệt tế bào ung thư tốt hơn.
Có nhiều cách khác nhau để điều trị bằng tia xạ: xạ trị chiếu ngoài, xạ trị áp sát hoặc cho bệnh nhân uống, tiêm các thuốc chứa đồng vị phóng xạ.
- Ai là người điều trị xạ trị cho bệnh nhân?
Trong suốt quá trình xạ trị, bệnh nhân sẽ được chăm sóc, điều trị bởi một nhóm chuyên gia y tế. Nhóm này gồm các thành phần:
– Bác sỹ chuyên khoa về xạ trị: Bác sỹ chuyên khoa về xạ trị là người được đào tạo chuyên môn để điều trị ung thư bằng bức xạ. Đây là người chịu trách nhiệm chính về kế hoạch và quá trình điều trị của bệnh nhân.
– Kỹ sư vật lý xạ trị: Kỹ sư vật lý xạ trị là người đảm bảo chất lượng của các thiết bị xạ trị, đảm bảo máy móc thiết bị xạ trị sẽ phát ra liều điều trị như phác đồ bác sỹ xạ trị đưa ra. Đồng thời kỹ vật lý xạ trị cũng là người tính toán liều lượng trong lập kế hoạch điều trị xạ trị.
– Kĩ thuật viên xạ trị: Kĩ thuật viên xạ trị là người vận hành thiết bị xạ trị và thiết lập vị trị bệnh nhân điều trị hàng ngày.
– Điều dưỡng xạ trị: Những điều dưỡng này được đào tạo đặc biệt về điều trị ung thư và họ sẽ đưa cho bệnh nhân các thông tin về xạ trị cũng như theo dõi các tác dụng phụ trong xạ trị.
Bệnh nhân điều trị xạ trị cũng có thể cần đến sự chăm sóc của các chuyên gia dinh dưỡng, vật lý trị liệu hoặc các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác.
- Bệnh nhân xạ trị có cần cách ly với những người xung quanh
Bệnh nhân xạ trị có thể được chia làm hai nhóm:
– Nhóm 1: Bệnh nhân điều trị tia xạ ngoài. Những bệnh nhân nhóm này không phải là nguồn bức xạ nên không cần cách ly với những người xung quanh
– Nhóm 2: Bệnh nhân điều trị xạ trị áp sát hoặc sử dụng thuốc phóng xạ qua đường uống, tiêm. Những bệnh nhân nhóm này là nguồn phóng xạ, cần phải cách ly với những người xung quanh. Thông thường những bệnh nhân này phải cách ly một thời gian tại bệnh viện và chỉ được xuất viện khi đã được đánh giá là an toàn cho những người tiếp xúc. Đặc biệt, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ cần cách ly với bệnh nhân trong thời gian lâu hơn.
- Sự khác biệt về liều bức xạ của điều trị xạ trị so với chụp chẩn đoán
Trong điều trị xạ trị, liều bức xạ tới khối u lớn hơn vài nghìn lần so với liều mà một bệnh nhân nhận trong chụp X-quang chẩn đoán.
- Xạ trị có phải là phương pháp an toàn và hiệu quả?
Xạ trị là một phương pháp điều trị tốt, an toàn và hiệu quả. Mỗi năm, có hàng triệu bệnh nhân được điều trị xạ trị để chữa trị và kiểm soát các triệu chứng của bệnh ung thư. Bên cạnh đó, một số bệnh lành tính cũng có chỉ định xạ trị. Tuy nhiên, giống như các các phương pháp điều trị ung thư khác, xạ trị cũng có những tác dụng phụ không mong muốn.
- Một số tác dụng phụ trong xạ trị?
Bệnh nhân có thể gặp tác dụng phụ phụ thuộc vào kích thước và vị trí khối u.
– Tác dụng phụ cấp tính:
- Mệt mỏi, chán ăn, nôn, buồn nôn (khi hóa xạ trị đồng thời).
- Viêm da vùng xạ trị.
- Viêm phổi do tia xạ (xạ trị vùng ngực).
- Giảm bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu (khi hóa – xạ đồng thời).
- Rụng tóc, viêm niêm mạc miệng, họng, viêm thực quản gây đau, nuốt vướng, nuốt khó ( xạ trị vùng đầu – cổ – ngực).
- Đau bụng, đi lỏng, viêm bàng quang (xạ trị vùng bụng – chậu).
– Tác dụng phụ muộn (sau khi kết thúc xạ trị vài tháng đến vài năm)
- Teo da, hoại tử da vùng xạ trị
- Khô miệng, khít hàm (xạ trị vùng đầu cổ)
- Xơ phổi (xạ trị vùng ngực)
- Viêm, dính ruột (xạ trị vùng bụng-chậu)
- Ức chế tủy xương, ung thư thứ phát…( hiếm gặp)
- Bệnh nhân đang mang thai có thể điều trị xạ trị?
Bệnh nhân mang thai bị ung thư ở vị trí cách xa vùng chậu có thể được điều trị bằng xạ trị sau khi đã thảo luận với bác sỹ chuyên khoa xạ trị. Còn với những bệnh nhân mang thai, bị ung thư ở vùng chậu sẽ phải cân nhắc cẩn thận. Các bác sỹ sẽ thảo luận với bệnh nhân về phác đồ điều trị cụ thể: nên tiến hành xạ trị, trì hoãn việc điều trị, chấm dứt mang thai hay sử dụng phương pháp điều trị thay thế khác…
- Xạ trị có ảnh hưởng đến việc có con sau này
Với những bệnh nhân chiến thắng ung thư, việc sinh con là một quyết định khó khăn cho cả nam và nữ. Họ phải cân nhắc nhiều thứ trước khi quyết định mang thai. Thông thường, việc mang thai sau điều trị ung thư là an toàn cho cả mẹ và bé. Việc mang thai dường như không làm tăng nguy cơ ung thư tái phát. Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể được yêu cầu phải đợi một vài năm trước khi cố gắng sinh con. Thời gian chờ đợi này phụ thuộc vào một số yếu tố như: loại ung thư và giai đoạn, phương pháp điều trị và tuổi của phụ nữ. Một số chuyên gia khuyến cáo phụ nữ không nên mang thai trong 6 tháng đầu, sau khi kết thúc điều trị. Họ cho rằng những trứng hỏng sẽ rời khỏi cơ thể trong vòng 6 tháng đầu tiên. Một số chuyên gia khác khuyến cáo phụ nữ nên chờ từ 2 đến 5 năm trước khi cố gắng mang thai. Vì ung thư nhiều khả năng sẽ tái phát trong những năm này và điều trị ung thư trong thai kì phức tạp hơn
Không có khuyến cáo chắc chắn nào về việc bệnh nhân nam sau điều trị ung thư phải chờ bao lâu. Nhưng các chuyên gia thường khuyên nên đợi từ 2 đến 5 năm. Tinh trùng có thể bị tổn thương trong quá trình điều trị ung thư và nên được thay thế trong 2 năm.
Nhiều bệnh nhân ung thư lo lắng rằng sau này sinh con, con họ cũng bị ung thư. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng một đứa trẻ sinh ra từ bố/mẹ bị ung thư không có nguy cơ cao hơn so với những đứa trẻ có bố/mẹ khỏe mạnh. Tuy nhiên, có một số bệnh ung thư di truyền từ cha mẹ sang con thông qua gen. Nếu bệnh nhân mắc một trong những bệnh ung thư di truyền này, con cái họ có thể có nguy cơ cao hơn. Với những bệnh nhân này, họ có thể lựa chọn phương pháp thụ tinh qua ống nghiệm và kiểm tra sự thay đổi gen di truyền ở các trứng đã được thụ tinh. Chỉ những phôi không có gen đột biến mới được sử dụng. Bệnh nhân nên trao đổi với bác sỹ để hiểu hơn về nguy cơ ung thư và di truyền cho con cái.