“Ung thư không chữa khỏi, không được đụng dao kéo, không được bổ sung các chất dinh dưỡng”, đều là những lầm tưởng. Ung thư đang có xu hướng phát triển nhanh trên thế giới. Việt Nam là nước nằm trong nhóm có tỷ lệ người mắc bệnh cao với hơn 300.000 người mắc bệnh, gần 165.000 ca mắc mới và 115.000 bệnh nhân chết mỗi năm. Ngoài công tác điều trị, các bác sĩ còn tăng cường hiểu biết cho người dân, tránh truyền tai những quan niệm sai lầm gây nguy hiểm cho người bệnh.
Thủ phạm gây ung thư
Theo giáo sư Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), phần lớn bệnh ung thư là do môi trường sống, lối sống không hợp vệ sinh gây ra. Ung thư không phải do một nguyên nhân mà có rất nhiều nguyên nhân tùy theo mỗi loại. Hút thuốc và chế độ dinh dưỡng không hợp lý là hai nguyên nhân gây ra nhiều loại ung thư nhất.
Hút thuốc lá là nguyên nhân của 30% loại ung thư như ung thư phổi, thanh quản, bàng quang, dạ dày… Trong khói thuốc không chỉ có chất nicotine ảnh hưởng đến hệ tim mạch mà còn trên 40 loại hóa chất khác nhau gây ung thư.
Các chất bảo quản, nhuộm màu thực phẩm có nguồn gốc hóa học, chất trung gian chuyển hóa và sinh ra từ thực phẩm bị nấm mốc, lên men gây ra nhiều loại ung thư đường tiêu hóa như dạ dày, gan, đại tràng… Gạo và lạc dễ bị nấm mốc aspergillus flavus xâm nhiễm và tiết ra chất độc aflatoxin gây ung thư gan nguyên phát.
Rượu bia là nguyên nhân gây ung thư miệng, họng, thanh quản, vú… Tỷ lệ mắc ung thư gan ở nam giới cao thứ ba sau ung thư phổi và dạ dày, nguyên nhân chính là do xơ gan vì sử dụng rượu bia quá mức.
Ung thư là bản án tử hình
Ở các nước có nền y tế phát triển, 50% bệnh nhân ung thư chữa khỏi bệnh nhờ phát hiện sớm. Ở nước ta, tỷ lệ chữa khỏi thấp bởi 80% người bệnh được phát hiện muộn. Nhiều người tin vào cách chữa phản khoa học, lang băm, mê tín dị đoan…, đến khi bệnh nặng quá mới tới bệnh viện thì đã chậm.
Bệnh ung thư nguy hiểm nhưng nhưng 1/3 có thể phòng ngừa, 1/3 chữa khỏi ở giai đoạn sớm, 1/3 kéo dài cuộc sống ở giai đoạn muộn.
Bị ung thư không được mổ
Thông tin từ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, cho biết nhiều bệnh nhân cho rằng cứ “đụng dao kéo” sẽ chết sớm. Song, phẫu thuật vẫn là một trong những phương pháp điều trị quan trọng nhất trong đa số bệnh ung thư còn chỉ định.
Phẫu thuật chia làm 2 loại là phẫu thuật giảm nhẹ triệu chứng (palliative) và phẫu thuật triệt căn. Phẫu thuật triệt căn thực hiện ở giai đoạn bệnh phát hiện sớm, cắt bỏ khối u và nạo vét hạch. Phẫu thuật giảm nhẹ thường diễn ra khi bệnh nhân ở giai đoạn muộn, tế bào ung thư đã di căn. Khi đó, người bệnh không còn khả năng phẫu thuật triệt căn mà mục đích chính là giảm chèn ép và tránh sùi loét nhiễm trùng.
Do đó, phẫu thuật lúc này giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, giảm đau đớn hoặc kéo dài sự sống cho người bệnh.
(cho ảnh minh họa 1 ca phẫu thuật)
Không bồi dưỡng quá mức
Nhiều người cho rằng, bệnh nhân ung thư chỉ nên bồi dưỡng trong giai đoạn điều trị xạ trị, truyền hóa chất… còn sau đó chỉ nên ăn gạo lứt, muối vừng để không nuôi dưỡng khối u, nhằm làm khối u teo dần. Nhiều người còn không uống sữa, ăn thịt, trứng mà chỉ ăn chay… Sai lầm này khiến bệnh nhân suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến quá trình điều trị, rút ngắn thời gian sống đồng thời làm tăng tỷ lệ biến chứng, nhiễm trùng và dẫn đến tình trạng tử vong.
Theo các bác sĩ, chế độ ăn uống cần đầy đủ và cân đối gồm rau, hoa quả, sữa chua, tránh thực phẩm giàu đạm, đường, lipid, kiêng đồ cay, nóng, chất kích thích trước, trong và sau quá trình điều trị. Nhờ vậy người bệnh nâng cao thể lực, đủ sức theo hết liệu trình điều trị và giảm tác dụng phụ không mong muốn.
Nguồn: bệnh viện K