Ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước nghèo và các nước đang phát triển. Thêm vào đó, thực trạng ung thư ở Việt Nam ngày càng gia tăng trên phạm vi cả nước, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội.
Thật khó để hiểu hết những gì người mắc bệnh ung thư phải trải qua. Cuộc chiến với ung thư đồng nghĩa với phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, rụng tóc và là cuộc chiến giành giật sự sống.
Sau đây là 6 cách để an ủi bạn bè hoặc người thân yêu của mình nếu chẳng may họ mắc bệnh ung thư:
1. Hãy là bạn
Hãy giúp đỡ người bệnh nhiều nhất khi họ cần giúp đỡ. Hãy ở đó khi bạn có thể và động viên họ sống tích cực.
2. Nghĩ về những điều nhỏ bé
Nhiều người không biết phải nói gì bởi vì rất khó hiểu hết những gì người bệnh trải qua. Nhưng đôi khi không cần những từ ngữ hoàn hảo. Bạn chỉ cần gửi một tin nhắn như “tôi đang nghĩ về bạn”. Hoặc gọi điện, nấu một bữa ăn, đưa người bệnh đi hóa trị, giặt đồ hay hỏi người bệnh có cần thứ gì ở cửa hàng tạp hóa không…. Scotland chia sẻ: “Bạn thân của tôi gọi điện và nhắn tin cho tôi mỗi ngày. Tôi rất vui và cảm động. Người thân cũng gọi cho tôi mỗi tuần”.
3. Đừng nói “tôi biết”
An ủi thì hay hơn là hành động như là bạn hiểu người bệnh. “Khi người bệnh chia sẻ câu chuyện hay những giờ phút tồi tệ của họ, bạn đừng nói “tôi biết”, bởi vì bạn sẽ không bao giờ biết được trừ khi bạn đã trải qua. Do đó, chỉ cần một bờ vai, một vòng tay… chỉ cần bạn lắng nghe”, Nowlen nói.
4. Mang lại sự ấm áp
Sau mỗi đợt hóa trị, người bệnh rất dễ cảm thấy lạnh lẽo. Mang đến cho người bệnh những đồ vật giữ ấm như chăn, tất hay sách để đọc… là cách giúp đỡ rất tốt.
5. Để người bệnh được là chính họ
Theo Nowlen, điều tốt nhất với cô là buổi ăn trưa trong phòng kín cùng bạn bè thân. “ Tôi có thể gỡ bỏ mái tóc giả rồi đặt nó trên bàn. Tôi có thể là chính tôi. Bạn bè tôi không hề để ý đến việc tôi có bị trọc đầu hay không có lông mày hay không. Đó thực sự là tổ ấm của tôi.” Nowlen chia sẻ
6. Những cái ôm thật tuyệt vời
Đừng bao giờ quên bày tỏ tình yêu. Những cái ôm thật là điều tuyệt vời. Bạn có thể ôm người bệnh và nói “tôi ở đây bên bạn”, “tôi đang nghĩ về bạn”…
Đừng nói: “Tôi đã lo lắng và mất ngủ cả đêm vì bạn”
Quan trọng nhất là đừng để bản thân phải sống với những cảm giác của bệnh nhân ung thư. Bạn có quyền khóc lóc, đau khổ… Nhưng những bệnh nhân ung thư mới là người cần chăm sóc chính bản thân mình trong giai đoạn khó khăn này.
Hãy nói: “Thật khủng khiếp khi phải trải qua chuyện này nhưng tôi sẽ ở bên cạnh bạn”.
Đừng nói: “Cũng may là bạn không bị ung thư… (một loại ung thư nào đấy)!
Bị ung thư gì không quan trọng, vì chỉ riêng việc bạn bị chẩn đoán mắc ung thư đã là một cú sốc có thể làm đảo lộn cả cuộc sống.
Bạn không cần phải nhắc nhở người khác rằng mọi việc có thể tồi tệ hơn. So sánh giữa các loại bệnh ung thư không phải là cách hay.
Có thể nói: “Hãy nói cho tôi biết về căn bệnh ung thư của bạn. Tôi muốn biết nhiều hơn về nó”.
Đừng nói: “Bạn thật mạnh mẽ”
Những bệnh nhân ung thư thường được ví với hình ảnh các chiến binh và chiến đấu với ung thư là một cuộc chiến dai dẳng. So sánh này đôi khi làm người bệnh cảm thấy yên lòng, nhưng nếu họ cảm thấy bất lực vì một nguyên nhân nào đó, dường như hình tượng mạnh mẽ không còn phù hợp.
Hãy nói: “Tôi ngưỡng mộ cách bạn đối phó với ung thư” để bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn.
Đừng nói: “Ít ra thì bạn trông cũng mảnh mai”
Họ có thể trông rất khác nhưng đừng chỉ ra những thay đổi về thể chất. Những bệnh nhân ung thư nhận thức sâu sắc việc họ bị xuống bao nhiêu kí, rụng bao nhiêu tóc hoặc trông họ nhợt nhạt như thế nào. Mọi người thường buồn lòng vì ngoại hình của mình và không cần người khác phải nói ra.
Hãy nói: “Móng tay bạn trông tuyệt quá!”.
Đừng nói: “Bạn từng hút thuốc lá đúng không?”
Chúng ta biết là những hành vi xấu sẽ dẫn tới những kết cục tồi tệ, nhưng giờ không phải là lúc để đổ lỗi cho họ. Hỏi về thói quen trước đây giống như xát muối vào vết thương của họ.
Hãy nói: “Bạn không đáng phải bị như thế này” hoặc “Tôi rất tiếc khi bạn phải chịu thế này”.
Đừng nói: “Một người bạn của tôi cũng bị ung thư này. Để tôi nói cho bạn biết về nó”
Bệnh nhân ung thư không phải lúc nào cũng muốn biết những biến chứng gì sẽ xảy đến với mình. Bạn có thể nghĩ việc đó là hữu ích nhưng nó có thể làm bệnh nhân lo lắng vô ích.
Hãy nói: “Bạn tôi cũng mắc loại ung thư giống như bạn. Bạn có muốn liên hệ với cô ấy không?”.
Đừng nói: “Nếu tôi có thể làm gì cho bạn, hãy cho tôi biết”
Nghe có vẻ tử tế nhưng câu nói này khiến cho người nghe cảm thấy họ cần phải nhờ vả bạn điều gì đó, sau đó là cảm giác nặng nề khi phải chịu ơn bạn.
Hãy nói: “Tôi sẽ nấu một bữa ăn cho gia đình bạn vào tuần tới nhé! Bạn thích ăn gì? Nếu không ăn được gì thì phải nói nhé!”.
Đừng nói: “Tôi hiểu cảm giác của bạn.”
Thậm chí là những người đã từng bị ung thư cũng không nói điều này với những bệnh nhân ung thư khác vì mỗi bệnh nhân sẽ có những trải nghiệm và hướng điều trị khác nhau. Vì vậy đừng nói là bạn hiểu khi bạn không thực sự hiểu.
Hãy nói: “Tôi không thể tưởng tượng là bạn đang cảm thấy như thế nào!” câu này sẽ giúp người bệnh cởi mở hơn về cảm xúc của họ.
Đừng nói: “Tôi nghe nói là người ta có thể chữa ung thư với các tế bào virus AIDS biến tính…”
Bất cứ khi nào nghe câu này, bệnh nhân ung thư sẽ nghĩ là mọi người đang trấn an họ. Đột phá trong phương pháp điều trị là có thể xảy ra nhưng rất khó khăn để tiếp cận phương pháp đó.
Có thể đặt câu hỏi như: “Bạn hài lòng về phương pháp điều trị chứ? Người ta có áp dụng kĩ thuật nào mới không?”.
Cũng đừng im lặng
Rất nhiều người lo lắng và không biết phải nói điều gì với các bệnh nhân nhưng đừng làm vậy. Họ có thể cảm thấy lẻ loi hay bị cô lập.
Tốt nhất là hãy nói chuyện với người bệnh một cách chân tình và quan tâm, hoặc đơn giản hơn, ở bên cạnh họ khi có thể.
Nguồn tham khảo: https://plo.vn