Hiểu đúng về ung thư thanh quản – bệnh nguy hiểm nhưng có thể phát hiện sớm

Trong các loại ung thư vùng đầu cổ, ung thư thanh quản là một bệnh khá phổ biến, đặc biệt ở nam giới trung niên có tiền sử hút thuốc, uống rượu. Đây là căn bệnh nguy hiểm nhưng nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách, người bệnh hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh và giữ được giọng nói.

Vậy ung thư thanh quản là gì? Nguyên nhân từ đâu? Dấu hiệu cảnh báo ra sao? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

1. Thanh quản là gì?

Thanh quản là bộ phận nằm ở vùng cổ, ngay phía trên khí quản, có vai trò quan trọng trong: Phát âm (tạo ra giọng nói), hô hấp (dẫn khí từ mũi miệng xuống phổi) và bảo vệ đường thở khi nuốt (ngăn không cho thức ăn rơi vào khí quản).

Thanh quản bao gồm nhiều thành phần như: sụn giáp, sụn nhẫn, dây thanh âm, và các cơ điều khiển giọng nói. Khi các tế bào tại đây phát triển bất thường, xâm lấn mô xung quanh và lan rộng, đó có thể là ung thư thanh quản.

2. Ung thư thanh quản là gì?

Đây là loại ung thư xuất hiện ở các mô của thanh quản. Nó thường được chia thành 3 vị trí: Thanh môn (vùng có dây thanh); thượng thanh môn (phần phía trên dây thanh); hạ thanh môn (phần nối xuống khí quản).

Tỷ lệ gặp: Nam giới gấp 5–7 lần nữ giới, chủ yếu ở lứa tuổi 50–70 và đang có xu hướng trẻ hóa.

3. Nguyên nhân gây bệnh?

Không có nguyên nhân duy nhất gây ra ung thư thanh quản, nhưng các yếu tố nguy cơ đã được chứng minh bao gồm:

– Hút thuốc lá: là nguyên nhân hàng đầu (chiếm 80–90% ca bệnh),

– Uống rượu bia nhiều: đặc biệt khi kết hợp với hút thuốc thì nguy cơ tăng gấp 10 lần,

– Nhiễm virus HPV (giống như ở ung thư cổ tử cung),

– Tiếp xúc hóa chất độc hại: như bụi gỗ, khói công nghiệp, khí thải,

– Trào ngược dạ dày thực quản kéo dài,

– Tiền sử xạ trị vùng đầu cổ.

4. Triệu chứng cảnh báo?

Một trong những điểm quan trọng nhất của ung thư thanh quản là có thể phát hiện sớm nhờ các triệu chứng rõ ràng, dễ nhận biết:

Thay đổi giọng nói: Khàn tiếng kéo dài trên 2 tuần, không đáp ứng thuốc điều trị thông thường. Giọng nói khàn dần, không đau, nhưng không hết.

Cảm giác vướng cổ họng: Nuốt đau, cảm giác có dị vật trong họng. Nuốt nghẹn, khó nuốt.

Khó thở, thở rít: Thường gặp khi khối u lớn, chèn ép đường thở.

Đau tai một bên: Do u xâm lấn dây thần kinh, gây đau lan lên tai (đây là dấu hiệu quan trọng).

Sút cân không rõ nguyên nhân: Là biểu hiện muộn, cần cảnh giác cao.

Lưu ý: Khàn tiếng kéo dài là dấu hiệu quan trọng nhất. Nhiều người nhầm lẫn với viêm thanh quản mạn, nên chậm trễ khám dẫn đến phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.

5. Chẩn đoán như thế nào?

Để chẩn đoán chính xác ung thư thanh quản, bác sĩ sẽ thực hiện:

– Nội soi thanh quản bằng ống mềm: để quan sát hình ảnh tổn thương của thanh quản;

– Sinh thiết: lấy mẫu mô để xác định có tế bào ung thư không;

– Chụp CT hoặc MRI: để đánh giá mức độ lan rộng, xâm lấn, hạch di căn.

6. Ung thư thanh quản có chữa được không?

Câu trả lời là “Có”, nếu được phát hiện sớm.

 Điều trị bao gồm:

– Phẫu thuật: cắt bỏ khối u, có thể giữ lại dây thanh nếu bệnh còn sớm.

– Xạ trị: dùng tia xạ để tiêu diệt tế bào ung thư.

– Hóa trị: trong một số trường hợp nặng, phối hợp cùng xạ trị.

Đặc biệt, với sự tiến bộ của phẫu thuật nội soi, vi phẫu thanh quản, nhiều trường hợp có thể giữ được giọng nói, hồi phục nhanh, ít biến chứng.

7. Phòng ngừa bằng cách nào?

Để phòng bệnh hiệu quả, bạn nên:

– Bỏ thuốc lá, tránh hút thuốc thụ động,

– Hạn chế rượu bia, đặc biệt là dùng chung với thuốc lá,

– Khám tai mũi họng định kỳ, đặc biệt nếu có khàn tiếng kéo dài,

– Giữ vệ sinh hô hấp, điều trị tốt trào ngược dạ dày nếu có,

– Tiêm ngừa HPV (ở tuổi vị thành niên – có lợi cho cả nam lẫn nữ),

– Đeo khẩu trang khi làm việc trong môi trường ô nhiễm.

Ung thư thanh quản là căn bệnh nguy hiểm nhưng có thể phát hiện sớm và điều trị hiệu quả. Điều quan trọng là đừng bỏ qua triệu chứng khàn tiếng kéo dài – đây là dấu hiệu vàng để phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn đầu. Nếu bạn hoặc người thân có những triệu chứng kể trên, đừng ngần ngại đến khám tại các cơ sở y tê uy tín. Phát hiện sớm chính là chìa khóa để bảo vệ giọng nói và tính mạng.

Tác giả:ThS.BS Hà Văn Ngọ – Khoa Ngoại đầu cổ, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *