Trong những năm gần đây, kỹ thuật Điện quang can thiệp đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị ung thư, giúp mang lại những giải pháp điều trị ít xâm lấn và hiệu quả cao. Đây là một bước tiến quan trọng của y học hiện đại, cho phép can thiệp điều trị chính xác dưới hướng dẫn của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, CT scan hoặc máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA).
1. Vai trò của điện quang can thiệp trong chẩn đoán và điều trị ung thư
Điện quang can thiệp sử dụng các kỹ thuật hình ảnh như siêu âm, cắt lớp vi tính (CT) và chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) để dẫn đường cho các thủ thuật can thiệp. Không chỉ hỗ trợ chẩn đoán tổn thương, phương pháp này còn cho phép can thiệp điều trị trực tiếp vào khối u hoặc các biến chứng do ung thư gây ra.
Những ưu điểm nổi bật của điện quang can thiệp bao gồm:
• Giảm xâm lấn: Các thủ thuật được thực hiện qua da hoặc lòng mạch với vết rạch nhỏ, giúp hạn chế tổn thương mô lành và giảm nguy cơ biến chứng.
• Thời gian hồi phục nhanh: Người bệnh thường có thể phục hồi sớm, rút ngắn thời gian nằm viện so với phẫu thuật mở.
• Tối ưu hiệu quả điều trị: Nhiều trường hợp ung thư không còn chỉ định phẫu thuật rộng hoặc cần giảm kích thước khối u đều có thể được kiểm soát bằng các kỹ thuật can thiệp chính xác.
2. Các kỹ thuật điện quang can thiệp được ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị ung thư
a) Can thiệp dưới hướng dẫn siêu âm:
• Dẫn lưu: Áp dụng cho đường mật, thận, bàng quang hoặc các khoang dịch trong ổ bụng.
• Chọc hút áp xe: Tại gan, ổ bụng, sau phúc mạc và các vị trí sâu khó tiếp cận.
• Sinh thiết mô: Thực hiện tại gan, thận, phổi, xương, phần mềm, tụy, lách và các khối u trong ổ bụng.
• Đốt u bằng sóng cao tần (RFA): Được chỉ định cho u gan nguyên phát, u tuyến giáp lành tính.
• Đặt catheter tĩnh mạch trung tâm
Kỹ thuật đốt sóng cao tần (RFA) u tuyến giáp
b) Can thiệp dưới hướng dẫn CT scan:
• Sinh thiết: Đặc biệt với khối u phổi, xương hoặc các tổn thương không thể tiếp cận dưới siêu âm.
• Đốt u phổi bằng sóng cao tần: Là phương pháp điều trị ít xâm lấn cho các tổn thương phổi có kích thước nhỏ.
Kỹ thuật sinh thiết phổi dưới hướng dẫn CT
3. Ý nghĩa của điện quang can thiệp trong điều trị ung thư
Điện quang can thiệp không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định chẩn đoán chính xác mà còn góp phần tích cực vào điều trị nhiều tình huống lâm sàng phức tạp ở bệnh nhân ung thư. Kỹ thuật này cho phép kiểm soát khối u tại chỗ thông qua các phương pháp như đốt u bằng sóng cao tần hoặc nút mạch khối u, giúp hạn chế tiến triển bệnh và cải thiện tiên lượng. Bên cạnh đó, điện quang can thiệp còn đóng vai trò giảm nhẹ triệu chứng, đặc biệt trong việc dẫn lưu dịch ổ bụng, dịch màng phổi hoặc xử trí tắc nghẽn đường mật do ung thư, qua đó nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Đặc biệt, đối với những trường hợp không còn chỉ định phẫu thuật hoặc hóa trị, các thủ thuật can thiệp qua da hoặc lòng mạch mang lại lựa chọn điều trị an toàn, hiệu quả, góp phần mở rộng cơ hội tiếp cận điều trị cho nhiều bệnh nhân ung thư ở các giai đoạn khác nhau.
Kỹ thuật chụp mạch số hóa xóa nền (DSA)
Việc phát triển các kỹ thuật điện quang can thiệp chuyên sâu không chỉ giúp người bệnh tiếp cận phương pháp điều trị hiện đại ngay tại địa phương mà còn góp phần giảm tải cho tuyến trên, đồng thời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân.
Tác giả: BSCKI. Hồ Đức Tài – Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An
Hiệu đính: BSCKI. Hoàng Thị Thuý – Phó Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An