Ngộ độc thuốc tê là một biến chứng nghiêm trọng nhưng có thể phòng ngừa nếu được nhận diện và xử lý kịp thời. Hậu quả của ngộ độc thuốc tê có thể rất nghiêm trọng, từ rối loạn thần kinh, ngưng tim cho đến nguy cơ tử vong. Vì vậy, việc hiểu rõ cơ chế, dấu hiệu lâm sàng và các biện pháp phòng ngừa là điều hết sức quan trọng để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
1.Tổng quan
Ngộ độc thuốc tê là một biến chứng nghiêm trọng nhưng có thể phòng ngừa nếu được nhận diện và xử lý kịp thời. Đặc biệt, trong điều trị bệnh nhân ung thư, các thủ thuật xâm lấn như sinh thiết, dẫn lưu, hoặc giảm đau thường yêu cầu sử dụng thuốc tê tại chỗ hoặc toàn thân. Tuy nhiên, các bệnh nhân ung thư thường có tình trạng sức khỏe phức tạp, như suy giảm chức năng gan, thận, hoặc giảm albumin máu, làm tăng nguy cơ tích lũy và ngộ độc thuốc tê.
Hậu quả của ngộ độc thuốc tê có thể rất nghiêm trọng, từ rối loạn thần kinh, ngưng tim cho đến nguy cơ tử vong. Vì vậy, việc hiểu rõ cơ chế, dấu hiệu lâm sàng và các biện pháp phòng ngừa là điều hết sức quan trọng để đảm bảo an toàn cho người bệnh. Bài viết này chungs tôi sẽ tập trung vào việc nhận diện nguy cơ, tối ưu hóa liều dùng, và các phương pháp cấp cứu trong trường hợp ngộ độc thuốc tê ở bệnh nhân ung thư, nhằm hỗ trợ các bác sĩ lâm sàng và nhân viên y tế thực hiện tốt hơn các thủ thuật trong nhóm bệnh nhân đặc biệt này
Chúng ta đã biết thuốc tê sẽ vào tĩnh mạch sau 10 – 30 phút sử dụng (Trừ gây tê tuỷ sống) vì vậy sử dụng theo bất cứ đường nào cũng có thể gây ngộ độc thuốc tê.
Theo các các nghiên cứu của thế giới cũng như ở Việt Nam thì dị ứng hoặc phản vệ thuốc tê được coi như là cực kì hiếm thậm chí là không xảy ra mà chủ yếu là đều được xem là ngộ độc thuốc tê.
2. Nguyên nhân ngộ độc thuốc tê
Khi tăng đột ngột nồng độ thuốc tê trong huyết tương do:
+ Tai biến của tiêm thuốc vào mạch máu.
+ Do hấp thu thuốc nhanh vào máu bất thường vì sử dụng nồng độ thuốc cao hoặc sử dụng thuốc số lượng lớn.
+ Trong trường hợp gây tê vùng đường tĩnh mạch có thể do tuột garrot hoặc xả garrot sớm dẫn đến gia tăng đột ngột nồng độ thuốc trong tuần hoàn gây ngộ độc.
Độc tính thuốc tê tác động lên 2 vị trí: hệ thần kinh trung ương và tim.
Có nhiều yếu tố làm nặng thêm tác dụng nhiễm độc của thuốc tê như:
+ Thiếu oxy.
+ Ưu thán.
+ Nhiễm toan.
+ Tăng K+ máu.
+ Giảm Na+ máu.
+ Hạ thân nhiệt.
3. Các triệu chứng điển hình: Phổ biến và chủ yếu chỉ xảy ra ở thần kinh và/hoặc tuần hoàn.
Thần kinh: có thể thoáng qua hoặc không điển hình thậm chí không có.
– Triệu chứng sớm: Tê quanh miệng, song thị, ù tai, chóng mặt…
– Kích thích: Kích động, lú lẫn, nói nhảm, run giật cơ, co giật.
– Ức chế: Ngủ gà ngủ gật, đờ đẫn, hôn mê, ngưng thở.
Tuần hoàn: Đây có thể là biểu hiện duy nhất của ngộ độc thuốc tê nặng.
– Giai đoạn sớm: tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim.
– Giai đoạn muộn: hạ huyết áp, ức chế dẫn truyền, nhịp chậm, vô tâm thu,nhịp nhanh thất, xoắn đỉnh…
– Điển hình thường sử dụng nhất là Lidocain ( biểu hiện thần kinh rầm rộ), Bupivacaine ( biểu hiện về tim mạch sớm).
Trường hợp Tê Tủy Sống thì lại khác: thuốc tê lại đi theo nước não tủy lên cao (Cerebral Spinal Fluids stream) và ức chế thần kinh (tủy sống cao, não) gây ra ức chế giao cảm mạnh và có thể gây suy tuần hoàn giống hệt như LAST
4. Xử trí ngộ độc thuốc tê theo ASRA
– Ngưng tiêm và gọi hỗ trợ, thở oxy.
– Dùng nhũ tương lipid 20% (Truyền càng sớm càng tốt):
+ Trọng lượng > 70kg: tiêm nhanh 2-3 phút Bolus 100ml Lipids 20% và Trong 15-20 phút sau truyền tiếp 200-250ml Lipids 20%.
+ Trọng lượng<70kg: Tiêm nhanh 2-3 phút Bolus 1,5ml/kg và sau đó truyền tiếp 0.25ml/Khí dung 0.25ml/kg/phút.
Nếu bệnh nhân không ổn định tiếp tục truyền lại nhũ tương lipids:
+ Cho lặp lại một hoặc hai lần với tốc độ và liều truyền gấp đôi nhưng không quá 12ml/kg. Tổng nhũ tương lipids có thể đến 1 lít trong trường hợp hồi sức kéo dài( >30 phút).
Theo dõi bệnh nhân: Không cần theo dõi quá lâu như phản vệ mà chỉ cần theo dõi trong 6h:
+ 4-6 giờ sau biến cố về tim mạch.
+ 2 giờ sau biến cố về thần kinh trung ương. (Lưu ý: Cấp cứu ngưng tim của ngộ độc thuốc tê khác với ngưng tim trong hoàn cảnh khác).
+ Ép tim
+ Lipid nhũ tương 20%.
+ Đường thở
+ Hồi sinh tim phổi
+ Adrenalin chỉ dùng liều NHỎ 10-100mcg đường tĩnh mạch (liều nạp tĩnh mạch 1.5cc/kg rồi 0.25cc/kg/phút. (Có thể pha 1 ống vào bơm tiêm 10ml và chỉ tiêm 1ml).
5. Những việc cần làm để hạn chế ngộ độc thuốc tê
Theo dõi trong và sau khi tiêm xong thuốc tê để hạn chế ngộ độc thuốc tê.
– Độc tính lâm sàng của thuốc tê có thể xuất hiện chậm sau 30 phút hoặc lâu hơn.
– Giao tiếp thường xuyên với bệnh nhân để phát hiện triệu chứng độc tính
– Nghĩ đến ngộ độc thuốc tê khi bệnh nhân có thay đổi tình trạng tâm thần, biểu hiện thần kinh hoặc dấu hiệu bất thường về tim mạch.
– Benzodiazepine có thể làm bệnh nhân giảm khả năng mô tả các triệu chứng thần kinh.
– Chú ý thảo luận liều thuốc tê trước khi tiến hành thủ thuật hay phẫu thuật.
Tác giả: Ths.bs Thái Hoàng Long (Khoa CC – HSTC)