Trong thực hành về chẩn đoán các bệnh lý y khoa nói chung và bệnh lý ung bướu nói riêng, xét nghiệm tế bào học có vai trò không chỉ giới hạn trong việc chẩn đoán mang tính định hướng mà còn có giá trị trong chẩn đoán xác định. Xét nghiệm tế bào học giúp chẩn đoán sớm, chính xác một số bệnh lý ung thư với mức độ can thiệp tối thiểu, đơn giản, ít xâm lấn, cho kết quả nhanh chóng.
1. Xét nghiệm tế bào học là gì?
Xét nghiệm tế bào học (hay tế bào bệnh học) là xét nghiệm tập trung đánh giá một vài loại tế bào nhất định từ một cơ quan của bệnh nhân. Bác sĩ giải phẫu bệnh sử dụng kính hiển vi để quan sát hình thái của tế bào. Qua đó phát hiện được những bất thường ở mức độ tế bào phục vụ cho mục đích chẩn đoán, tầm soát bệnh lý ác tính và theo dõi quá trình điều trị.
2. Các phương pháp xét nghiệm tế bào học
- Xét nghiệm tế bào bằng chọc hút kim nhỏ
– Xét nghiệm tế bào bằng chọc hút kim nhỏ (FNA) là phương pháp sử dụng một cây kim nhỏ để thu thập một ít chất lỏng và mẫu bệnh phẩm tế bào từ khối u hoặc tổn thương. Trong một số trường hợp tổn thương nhỏ hoặc nằm ở vị trí khó lấy mẫu, kỹ thuật chọc hút tế bào bằng kim nhỏ có thể kết hợp với siêu âm, CT hoặc nội soi. Các cơ quan có thể áp dụng kỹ thuật như:
+ Chọc hút bằng kim nhỏ các hạch lympho ngoại vi.
+ Chọc hút bằng kim nhỏ các tổn thương vú sờ thấy được.
+ Chọc hút bằng kim nhỏ các tổn thương của da và mô mềm nông.
+ Chọc hút bằng kim nhỏ tuyến giáp.
+ Chọc hút bằng kim nhỏ mào tinh hoàn.
+ Chọc hút bằng kim nhỏ tinh hoàn,…..
Kỹ thuật chọc hút kim nhỏ các tổn thương của da và mô mềm nông
Kỹ thuật chọc hút kim nhỏ dưới hướng dẫn siêu âm
– Chỉ định, chống chỉ định của kỹ thuật:
+ Chỉ định: Tất cả những trường hợp có u, tổn thương nằm nông, sờ thấy được hoặc siêu âm nằm cách mặt da dưới 2cm.
+ Chống chỉ định: Mặc dù chọc hút kim nhỏ mô mềm có rất ít chống chỉ định tuyệt đối; tuy nhiên cũng không nên thực hiện kỹ thuật chọc hút tế bào trong các trường hợp sau:
∗ U thể cảnh và u sắc bào (có thể gây ngất và cơn cao huyết áp).
∗ U nằm sâu trên cơ địa dễ chảy máu (bệnh ưa chảy máu, đang dùng thuốc chống đông).
∗ Bệnh Basedow chưa ở trạng thái bình giáp.
- Xét nghiệm tế bào từ các dịch của cơ thể
– Các dịch lấy từ khoang trong cơ thể có thể được kiểm tra để phát hiện tế bào ung thư. Một số loại dịch cơ thể thường được xét nghiệm bao gồm:
– Dịch màng phổi (dịch thu thập từ khoảng không xung quanh phổi).
– Dịch màng tim (dịch thu thập từ túi màng bao quanh tim).
– Dịch cổ trướng hoặc dịch ổ bụng (dịch thu thập từ khoảng không trong bụng).
– Dịch nước tiểu.
– Đờm.
– Dịch tủy, còn được gọi là dịch não tủy (dịch thu thập từ khoảng trống xung quanh não và tủy sống).
- Xét nghiệm tế bào bong
– Các phương pháp lấy tế bào bong tự nhiên được bộ Y tế chấp nhận là:
+ Kỹ thuật tế bào học cổ tử cung
+ Kỹ thuật tế bào học bong các dịch màng bụng, màng phổi, màng tim.
+ Kỹ thuật tế bào học nước tiểu.
+ Kỹ thuật tế bào học đờm.
+ Kỹ thuật tế bào học dịch rửa và hút phế quản.
+ Kỹ thuật tế bào học dịch rửa ổ bụng.
+ Kỹ thuật tế bào học dịch khớp.
+ Kỹ thuật tế bào học dịch các tổn thương dạng nang.
Hình ảnh: Phương pháp lấy tế bào bong từ cổ tử cung
3. Ưu, nhược điểm của phương pháp tế bào học
- Ưu điểm
– Chẩn đoán nhanh.
– Độ chính xác cao.
– Đơn giản.
– Chi phí thấp.
– Rủi ro biến chứng thấp.
– Khả năng xác định típ mô bệnh học trong một số trường hợp.
– Sử dụng tiêu chuẩn tế bào học có thể kết hợp với nhuộm mô miễn dịch.
– Phương pháp tế bào học nhanh chóng và có độ chính xác cao
- Nhược điểm
– Có thể không chẩn đoán được bệnh lý do số lượng tế bào trong mẫu bệnh phẩm không đủ
– Có tỉ lệ chẩn đoán không chính xác. Do đó, đối với kết quả nghi ngờ cần thực hiện sinh thiết để đưa ra chỉnh đoán xác định.
Cùng với xu hướng gia tăng của các bệnh lý ung thư, xét nghiệm tế bào học đang trở nên ngày càng quan trọng trong việc chẩn đoán và phát hiện bệnh sớm ung thư. Bài viết này cung cấp một tổng quan về khái niệm, kỹ thuật, và các chỉ định liên quan đến xét nghiệm tế bào học. Cùng với những ưu điểm và hạn chế của phương pháp này, bác sỹ Giải phẫu bệnh sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp với tình trạng bệnh lý của bệnh nhân.