Chăm sóc hồi sức sau phẫu thuật

Cuộc mổ thành công tùy thuộc một phần lớn vào sự chăm sóc sau mổ. Giai đoạn ngay sau mổ là giai đoạn có nhiều rối loạn về sinh lý bao gồm các biến chứng về hô hấp, tuần hoàn, kích thích, đau, rối loạn chức năng thận, rối loạn đông máu, hạ nhiệt độ…gây ra do gây mê hoặc do phẫu thuật. Trong giai đoạn này, người bệnh cần được chăm sóc liên tục do chưa ổn định về tuần hoàn, hô hấp, vết mổ, nguy cơ chảy máu cao…

Để phát hiện sớm các biến chứng này cần có những nhân viên y tế được huấn luyện, có kinh nghiệm vàcần có các phương tiện để theo dõi bệnh nhân sau mổ. Điều quan trọng trong giai đoạn này là không bao giờ được để bệnh nhân chưa tỉnh thuốc mê nằm một mình.

1.Hô hấp

Ở giai đoạn này thiếu oxy hay gặp do những thay đổi hô hấp khi gây mê, thở yếu do còn tác dụng của thuốc mê, do đau, do run lạnh làm tăng tiêu thụ oxy… Mục đích chính là duy trì thông khí phổi và phòng ngừa thiếu oxy máu. Cần theo dõi sát hô hấp của người bệnh, đánh giá tần số, nhịp thở, kiểu thở, các dấu hiệu khó thở. Nếu nhịp thở nhanh hơn 30 lần/phút hay chậm dưới 15 lần/phút thì báo cáo ngay cho bác sỹ. Theo dõi chỉ số oxy trên máy monitor, khí máu động mạch. Dấu hiệu thiếu oxy trên người bệnh, tím tái, thở co kéo, di động của lồng ngực kém, nghe phổi.

Chăm sóc: Cung cấp đủ oxy, luôn luôn phòng ngừa nguy cơ thiếu oxy cho người bệnh. Làm sạch đường thở, hút đàm nhớt và chất nôn ói, khi hút cần chú ý với người bệnh cắt amiđan.

2.Tim mạch

Ngay sau mổ, điều dưỡng phải đo mạch, huyết áp và ghi chép đầy đủ. Cần phát hiện sớm dấu hiệu tụt huyết áp do chảy máu, phát hiện chảy máu qua vết mổ, qua dẫn lưu, các dấu hiệu biểu hiện thiếu máu trên lâm sàng như: mạch nhanh, huyết áp giảm, da niêm nhợt.

Nhận định tình trạng da niêm: màu sắc, độ ẩm, nhiệt độ da, dấu hiệu đổ đầy mao mạch. Lượng dịch trước và sau mổ cần được theo dõi sát, theo dõi số lượng nước tiểu mỗi giờ. Ngoài ra cũng cần theo dõi tình trạng rối loạn điện giải biểu hiện trên lâm sàng, trên xét nghiệm điện giải đồ.

Chăm sóc:

– Đặt máy đo điện tim liên tục với người bệnh nặng, người có bệnh tim, người già.

– Nâng đỡ nhẹ nhàng tránh tụt huyết áp tư thế.

– Thực hiện truyền dịch, truyền máu đúng y lệnh số giọt, thời gian.

– Ghi vào hồ sơ tổng dịch vào ra mỗi giờ/24 giờ.

3.Nhiệt độ

Tăng thân nhiệt: Người bệnh sau mổ thường sốt nhẹ do mất nước, do tình trạng phản ứng cơ thể sau mổ; thường sau mổ 1–2 ngày nhiệt độ tăng nhẹ 3705– 380C, nhưng nếu sốt cao hơn thì cần theo dõi và phát hiện sớm nguyên nhân của nhiễm trùng.

Hạ thân nhiệt: do ẩm ướt, người già, suy dinh dưỡng, do nhiệt độ môi trường, do tình trạng suy kiệt…

Theo dõi nhiệt độ thường xuyên và ghi chép đầy đủ, thực hiện bù nước theo y lệnh. Nếu sau 3 ngày mà vẫn sốt > 380C thì cần theo dõi dấu hiệu nhiễm trùng vết mổ, nhiễm trùng tiết niệu, viêm phổi…. Khi nhiệt độ tăng cao cần thực hiện chăm sóc giảm sốt cho người bệnh, vì khi nhiệt độ cao cũng làm người bệnh thiếu oxy. Đối với người già, bệnh nặng, suy dinh dưỡng, người bệnh cần luôn được giữ ấm.Cần chú ý người bệnh ngay sau mổ vì cũng rất hay hạ thân nhiệt vì vậy cần ủ ấm kịp thời, truyền dịch ấm, đảm bảo nhiệt độ phòng phù hợp.

4.Thần kinh

Bệnh nhân tỉnh hay mê. Nếu bệnh nhân chưa tỉnh cần được theo dõi sát và đặt bệnh nhân ở tư thế thích hợp.

Đánh giá tri giác người bệnh (bảng điểm Glasgow). Trong giai đoạn hồi tỉnh người bệnh dễ kích thích, vật vã nên điều dưỡng cần đảm bảo an toàn cho người bệnh. Thực hiện thuốc an thần khi có chỉ định. Theo dõi vận động, cảm giác của chi 4 giờ đầu đối với người bệnh gây tê tuỷ sống.

Khi xoay trở, chăm sóc cần tránh chèn ép chi. Giúp người bệnh tư thế thoải mái, phù hợp. Làm công tác tư tưởng cho người bệnh nếu người bệnh tỉnh. Động viên tinh thần cho bệnh nhân, tạo cho bệnh nhân cảm giác an tâm, tránh cho bệnh nhân những lo sợ không đáng có để người bệnh có tinh thần tốt nhất vượt qua bệnh tật.

5.Tiết niệu

Theo dõi lượng, màu sắc nước tiểu sau mổ (trung bình 0,5 -1ml/kg/giờ), đặc biệt một số trường hợp bệnh nặng hoặc chưa có nước tiểu 6- 8 giờ sau mổ,..

Theo dõi lượng nước xuất nhập, tổng lượng dịch vào ra/24 giờ, tính chất, màu sắc, số lượng nước tiểu. Chú ý nếu số lượng nước tiểu giảm hơn 30ml/giờ đối với người điều dưỡng cần báo bác sĩ.

Thực hiện bù nước và điện giải theo y lệnh. Chăm sóc người bệnh phù, kê chi cao, chăm sóc da sạch sẽ, tránh loét. Theo dõi huyết áp thường xuyên, cân nặng mỗi ngày. Trường hợp có sonde tiểu cần chăm sóc sạch sẽ bộ phận sinh dục và hệ thống thông niệu đạo.

Điều dưỡng cần biết chẩn đoán bệnh và phương pháp giải phẫu, cần biết toàn trạng, tình trạng thông khí và các dấu hiệu sống của người bệnh. Người bệnh sử dụng phương pháp gây mê nào, kháng sinh, thuốc hồi sức, dịch truyền, có truyền máu và đã truyền bao nhiêu đơn vị máu, có tai biến không… Những thông tin diễn biến đặc biệt trong mổ cũng cần được biết để dễ theo dõi. Nhận định có bao nhiêu dẫn lưu, loại nào, các bất thường khác của người bệnh. Nhận định tâm lý người bệnh tỉnh sau mổ cũng rất quan trọng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *