Những điều cần lưu ý cho bệnh nhân khi xạ trị bằng máy gia tốc tuyến tính

Xạ trị là một trong 3 phương pháp điều trị ung thư kinh điển (phẫu thuật, xạ trị, hóa trị) ngày càng chứng tỏ vai trò không thể thiếu của nhiều bệnh ung thư như ung thư phổi, thực quản, vú, trực tràng, cổ tử cung… Ưu điểm của xạ trị là gần như không có chống chỉ định và có thể áp dụng cho mọi giai đoạn bệnh, từ điều trị triệt căn ở những giai đoạn đầu cho đến điều trị giảm nhẹ, giảm triệu chứng cho ung thư giai đoạn cuối. Hiện tại, theo ước tính có hơn 60% các loại ung thư nói chung có thể sử dụng xạ trị để điều trị.

1. Nhân lực trong điều trị xạ trị ung thư

Trong toàn bộ quá trình xạ trị ung thư, người bệnh sẽ được điều trị, chăm sóc bởi một nhóm các chuyên gia y tế, gồm:

Bác sĩ chuyên khoa về xạ trị: Là những người có chuyên môn cao, được đào tạo bài bản để điều trị ung thư bằng bức xạ, bác sĩ chuyên khoa về xạ trị sẽ là người chịu trách nhiệm chính về kế hoạch và quá trình xạ trị của bệnh nhân.

Kỹ sư vật lý y khoa: Là những người sẽ đảm bảo chất lượng của các thiết bị xạ trị, điều khiển máy móc thiết bị xạ trị phát ra liều điều trị đúng như phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra, đồng thời hỗ trợ bác sĩ xạ trị lập kế hoạch điều trị và chăm sóc bệnh nhân sau xạ trị.

Kỹ thuật viên xạ trị: Là người vận hành các thiết bị xạ trị và giúp bệnh nhân xạ trị hàng ngày.

Điều dưỡng xạ trị: Giúp bệnh nhân nắm bắt các thông tin về xạ trị cũng như theo dõi tác dụng phụ như loét sau xạ trị, đau sau xạ trị hay buồn nôn, rụng tóc ở người bệnh,

Ngoài ra, quá trình chăm sóc bệnh nhân sau xạ trị cũng được thực hiện bởi các chuyên gia dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe hay kỹ thuật viên vật lý trị liệu khác.

Khi được chỉ định xạ trị ung thư, có không ít người cảm thấy lo lắng và băn khoăn liệu rằng xạ trị có đau không. Thực ra bất kỳ biện pháp chữa trị ung thư nào cũng có những tác dụng phụ nhất định. Ở những trường hợp áp dụng xạ trị thì tình trạng đau rát da cũng có thể xảy ra, tuy nhiên mức độ ở mỗi người là khác nhau. Có những bệnh nhân sau khi xạ trị, vùng da tiếp xúc gặp phải hiện tượng đỏ, sưng tấy, lở loét,…Do đó, chăm sóc bệnh nhân sau xạ trị ung thư cần phải làm tốt cả quá trình trước, trong và sau khi tiến hành xạ trị.

2. Người bệnh trước mỗi buổi điều trị cần chuẩn bị những gì?

Người bệnh trước khi tiến hành xạ trị cần được chuẩn bị tốt về mặt tâm lý, tránh căng thẳng, sợ hãi. Đặc biệt là cần phải bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng cường thể lực, cải thiện tình hình cục bộ, hạn chế tối đa viêm nhiễm cục bộ.

Trước mỗi buổi điều trị xạ trị bằng máy gia tốc bệnh nhân cần lưu ý:

Chuẩn bị hồ sơ, phiếu hẹn xạ trị theo thời gian đã được sắp xếp.

– Những bệnh nhân cần căng tiểu trước khi xạ trị thì phải uống lượng nước theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

– Bôi thuốc chống bỏng, cháy da theo chỉ định bác sĩ trước lúc xạ trị

– Bệnh nhân vận động nhàng liên tục để tránh cứng cơ, khớp…

3. Những lưu ý bệnh nhân trong quá trình xạ trị

Trong quá trình điều trị xạ trị bằng máy gia tốc bệnh nhân cần:

– Giữ nguyên tư thế điều trị giống như tư thế lúc chụp CT mô phỏng từ buổi đầu đến kết thúc liệu trình xạ.

– Bệnh nhân khó thở hay gặp bất cứ vấn đề gì thì giơ tay báo hiệu cho KTV để xử lý kịp thời.

– Thực hiện theo chỉ dẫn của các Kỹ thuật viên điều khiển máy…

 

Bệnh nhân điều trị xạ trị bằng máy gia tốc Synergy Platform hãng Elekta

Trong cả quá trình xạ trị, nếu người bệnh xuất hiện các biểu hiện như kém ăn, xuất huyết, đau…thì cần phải được xử lý kịp thời. Lúc này, các bác sĩ sẽ chú ý điều chỉnh phương pháp điều trị và liều lượng thuốc, bảo vệ những phần không cần phải chiếu xạ, đồng thời sẽ cho người bệnh sử dụng vitamin B, thuốc an thần. Tiếp theo, người chăm sóc bệnh nhân ung thư cần giúp cơ thể bệnh nhân hấp thụ đầy đủ nước để làm giảm các phản ứng trên cơ thể và tránh những tổn thương cục bộ do xạ trị.

4. Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân sau xạ trị

Chăm sóc bệnh nhân sau xạ trị là bước vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sức khỏe và hiệu quả điều trị.

Chú ý phần da sau khi bị chiếu xạ cần được chăm sóc sạch sẽ, hạn chế tối đa những kích thích về hóa học và vật lý, tránh cọ sát nếu không sẽ xảy ra tình trạng loét sau khi xạ trị.

Đối với những xạ trị cục bộ cụ thể như xạ trị thực quản thì sau khi xạ trị, người bệnh cần ăn những loại thức ăn mềm. Xạ trị trực tràng thì cần tìm cách tránh bị táo bón….

Bệnh nhân cần được bổ sung chất dinh dưỡng đầy đủ, tránh vận động mạnh quá sức, nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức đề kháng, hồi phục sức khỏe cho những đợt xạ trị tiếp theo.

5. Khi nào cần liên hệ với bác sĩ khi xạ trị ung thư?

Bệnh nhân xạ trị ung thư cần theo dõi sức khỏe kỹ lưỡng, phải thông báo ngay cho bác sĩ điều trị khi có các biểu hiện như:

– Đau sau xạ trị không giảm, đặc biệt là đau luôn ở 1 vị trí

– Cơ thể xuất hiện khối u bất thường

– Nôn, buồn nôn sau xạ trị, tiêu chảy, ăn uống kém

– Sốt cao liên tục

– Da nổi ban hoặc chảy máu bất thường…

Ngoài ra, người bệnh sau khi tiến hành xạ trị ung thư cần phải thăm khám, theo dõi sức khỏe định kỳ thường xuyên để đảm bảo sức khỏe an toàn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *