Gây mê là phương pháp vô cảm có mục đích làm mất tạm thời ý thức, cảm giác và các phản xạ của bệnh nhân bằng các thuốc mê tác động lên hệ thần kinh trung ương. Việc gây mê sẽ giúp bệnh nhân nằm yên, không đau và không lo lắng hay cử động trong suốt quá trình phẫu thuật. Đây cũng là phương pháp để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân vì đau đớn và sợ hãi quá mức có thể dẫn đến phản xạ ngừng tim.
Gây mê để phẫu thuật là một kỹ thuật phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đó an toàn là tiêu chí được bác sĩ/ kĩ thuật viên gây mê đưa lên hàng đầu. Người bệnh sẽ được đánh giá đầy đủ và toàn diện trước khi phẫu thuật để đưa ra phương án gây mê phù hợp với cuộc phẫu thuật đó.
Tâm lý lo lắng trước các cuộc phẫu thuật là điều không thể tránh khỏi ở hầu hết các bệnh nhân, vì vậy, bác sĩ sẽ giải thích kỹ càng về quá trình phẫu thuật bao gồm cả gây mê cho bệnh nhân để ổn định tâm lý, kiểm soát sức khỏe, có được sự hợp tác, chuẩn bị tốt nhất của người bệnh.
Một số câu hỏi thường gặp về gây mê trong quá trình phẫu thuật gồm có:
- Gây mê có nguy hiểm không?
Mục đích chính của việc gây mê là đảm bảo an toàn cho bệnh nhân khi phẫu thuật và với sự phát triển của khoa học kỹ thuật thì việc gây mê đã được thực hiện rộng rãi hơn với ít những biến chứng nguy hiểm hơn. Do đó bệnh nhân có thể hoàn toàn yên tâm khi được tiến hành gây mê phẫu thuật.
- Bệnh nhân cần tự chuẩn bị những gì trước gây mê?
Trước khi được phẫu thuật thì tất cả các bệnh nhân sẽ được kiểm tra các chức năng quan trọng trong cơ thể để các bác sĩ đưa ra phương pháp gây mê phù hợp. Tuy nhiên, bệnh nhân cần chú ý tuân thủ nhịn ăn trước mổ 8 tiếng và nhịn uống nước 2 tiếng trước gây mê. Việc giữ cho dạ dày trống rỗng rất quan trọng khi gây mê để tránh biến chứng trào ngược thức ăn làm tắc đường thở ngay lập tức.
- Gây mê sau bao lâu thì tỉnh?
Với sự tiến bộ của thuốc mê cũng như phương pháp gây mê mà hầu như bệnh nhân sẽ tỉnh sau phẫu thuật vài phút do các thuốc mê thế hệ mới được đào thải nhanh sau khi ngưng sử dụng thuốc, cảm giác sau khi tỉnh lại cũng dịu nhẹ hơn các thuốc trước đây.
Bác sĩ gây mê là người có trách nhiệm chính trong việc đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật. Các bác sĩ gây mê sẽ điều chỉnh liều lượng thuốc mê sao cho phù hợp với từng trường hợp, theo dõi các chỉ số sinh tồn và ứng phó kịp thời với bất kì biến chứng nào có thể xảy ra. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân nên trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ gây mê để hiểu rõ hơn về quy trình và giải toả những lo lắng nếu có.