Quy trình xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

02.10.2024

1. Xạ trị là gì ?

Xạ trị là một trong những phương pháp phổ biến nhất trong điều trị ung thư. Phương pháp này sử dụng các hạt hoặc sóng có năng lượng cao như: tia X, tia gamma, các chùm tia điện tử, proton… để tiêu diệt hoặc phá hỏng các tế bào ung thư.

Nguồn gốc tạo ra các loại bức xạ ion hóa

Có nhiều cách khác nhau để điều trị bằng tia xạ: xạ trị chiếu ngoài, xạ trị áp sát hoặc cho bệnh nhân uống, tiêm các thuốc chứa đồng vị phóng xạ.

2. Mục đích của xạ trị?

Mục đích xạ trị là tiêu diệt các tế bào ung thư đồng thời bảo tồn đối với các tế bào bình thường. Xạ trị có thể được sử dụng để điều trị nhiều loại ung thư ở hầu hết các bộ phận của cơ thể.

Xạ trị có thể được chỉ định thay thế phẫu thuật hoặc điều trị kết hợp sau phẫu thuật để ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư có thể vẫn còn sót lại. Xạ trị cũng có thể được chỉ định trước, trong hoặc sau khi hóa trị (thuốc chống ung thư). Đôi khi xạ trị là liệu pháp điều trị duy nhất cho bệnh nhân ung thư.

3. Quy trình xạ trị bằng máy gia tốc tuyến tính

Bước 1: Bệnh nhân được giải thích kế hoạch điều trị

Sau khi bệnh nhân ung thư được chỉ định điều trị bằng xạ trị, Bác sỹ xạ trị sẽ giải thích cho bệnh nhân kế hoạch điều trị:

– Số buổi điều trị.

– Số lần điều trị trong một ngày.

– Thời gian của mỗi buổi điều trị.

– Ngày dự kiến cho buổi điều trị đầu tiên.

– Chuẩn bị cho việc điều trị và các tác dụng phụ có thể xảy ra…

Bước 2: Chụp CT mô phỏng (CT-Simulation)

Sau khi bác sỹ quyết định điều trị bằng phương pháp xạ trị cho bệnh nhân, bước tiếp theo là tiến hành chụp CT mô phỏng.

Chụp CT-mô phỏng là quét phần cơ thể bệnh nhân sẽ được xạ trị. Tư thế của bệnh nhân chụp CT mô phỏng trùng lặp với tư thế của bệnh nhân trong quá trình điều trị bằng xạ trị. Mục đích của chụp CT mô phỏng là cung cấp hình ảnh ba chiều của phần cơ thể của bệnh nhân được điều trị. Chuỗi ảnh CT mô phỏng này là dữ liệu đầu vào rất cần thiết cho việc lập kế hoạch điều trị.

Kỹ thuật chụp CT mô phỏng bằng máy Discovery RT của hãng GE Heathcare

      Trong quá trình chụp CT mô phỏng, kỹ thuật viên có thể sử dụng dụng cụ cố định (gối, mặt nạ, bàn kê bụng…) để giúp cố định tư thế bệnh nhân. Tư thế chụp CT-mô phỏng của bệnh nhân sẽ được đặt lại chính xác trong các buổi xạ trị.

Ngoài ra, Kỹ thuật viên có thể xăm trên da của bệnh nhân những dấu xăm nhỏ (nhỏ như nốt ruồi). Dấu xăm này được sử dụng như những điểm tham chiếu trong mỗi lần đặt bệnh nhân để điều trị.

Bước 3: Lập kế hoạch điều trị

Bác sỹ và kỹ sư y vật lý là những người lập kế hoạch điều trị cho bệnh nhân. Những hình ảnh từ CT mô phỏng sẽ được sử dụng để lập kế hoạch điều trị.

Kể từ khi chụp CT-mô phỏng, bệnh nhân cần phải chờ một thời gian trước khi tiến hành buổi điều trị đầu tiên. Việc chờ đợi này là hoàn toàn bình thường, vì đó là thời gian để bác sỹ xạ trị và kỹ sư y vật lý hoàn thành kế hoạch và kiểm tra lại kế hoạch để đảm bảo chất lượng kế hoạch điều trị cho bệnh nhân.

Lập kế hoạch xạ trị bằng phần mềm Monaco

Khi kế hoạch điều trị hoàn thành và đảm bảo chất lượng, bác sỹ điều trị sẽ thông báo cho bệnh nhân và đặt hẹn cho buổi điều trị đầu tiên.

Bước 4: Buổi điều trị đầu tiên

Buổi điều trị đầu tiên sẽ lâu hơn các buổi điểu trị sau. Nhóm bác sỹ, kỹ sư và kỹ thuật viên điều trị sẽ đặt bệnh nhân trùng với vị trí của bệnh nhân lúc chụp CT mô phỏng. Sau đó sẽ chuyển về tâm điều trị và tiến hành chụp portfilm kiểm tra để đảm bảo vị trí đặt bệnh nhân là chính xác nhất.

Kỹ thuật viên có thể đánh dấu tâm xạ trị lên vùng cơ thể bệnh nhân được xạ trị, những đường này có thể bị mờ và mất đi. Vì vậy, bệnh nhân cần chú ý không nên lau và rửa những điểm đánh dấu này trong suốt quá trình điều trị.

Bước 5: Quá trình điều trị

Bác sỹ xạ trị sẽ quyết định số buổi điều trị cho bệnh nhân. Thông thường thì bệnh nhân sẽ được điều trị một lần trong ngày, từ thứ 2 đến thứ 6. Quá trình điều trị có thể kéo dài vài tuần hoặc hơn tùy loại mặt bệnh.

KTV cố định bệnh nhân trước mỗi buổi điều trị

          Các buổi điều trị sau thì giống nhau và giống với buổi điều trị đầu tiên nhưng thời gian điều trị sẽ ngắn hơn. Trong mỗi buổi điều trị thì bệnh nhân được đặt chính xác với vị trí buổi điều trị đầu tiên. Trong cả quá trình điều trị, bệnh nhân có thể được chụp kiểm tra lại vị trí điều trị để đảm bảo vị trí đặt bệnh là chính xác nhất có thể. Nếu một số nguyên nhân dẫn đến mặt nạ cố định của bệnh nhân bị lỏng (thay đổi cân nặng, đáp ứng của khối u..) thì bác sĩ sẽ chỉ định chụp lại CT mô phỏng và lặp lại các bước trên.

Bước 6: Theo dõi sau quá trình điều trị

Bệnh nhân sẽ gặp bác sỹ xạ trị trong suốt quá trình điều trị để đánh giá đáp ứng của khối u và theo dõi những tác dụng phụ có thể xảy ra khi xạ trị.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *