KIỂM SOÁT ĐAU DO UNG THƯ – NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT

Đau là tình trạng phổ biến do ung thư hoặc sau khi điều trị ung thư. Cơn đau của người bệnh ung thư có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau.

  • Đau do khối u: Hầu hết cơn đau do ung thư xảy ra khi khối u đè lên xương, dây thần kinh hoặc các cơ quan. Mức độ đau có thể thay đổi tùy theo vị trí của khối u.
  • Đau liên quan đến điều trị: Phẫu thuật,  hóa trị, xạ trị và phẫu thuật có thể gây đau. Một số tình trạng đau có nhiều khả năng xảy ra ở những bệnh nhân có hệ thống miễn dịch bị ức chế, thường là kết quả của các liệu pháp này.
  • Nguyên nhân đau không liên quan trực tiếp từ ung thư: bệnh lý phối hợp, tâm lý, thủ thuật khác…

 

          Ảnh hưởng của cơn đau

 Đau có thể có tác động đáng kể đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của người bệnh. Đau cũng có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn, giấc ngủ và tâm trạng của người bệnh và ngược lại.

         Kiểm soát cơn đau

Kiểm soát cơn đau hàng ngày: Các chiến lược kiểm soát cơn đau bao gồm thuốc giảm đau hoặc các biện pháp can thiệp. Phác đồ điều trị đau bằng thuốc, người bệnh sẽ được các bác sĩ điều trị đánh giá và đưa ra một lộ trình cụ thể.

Tự quản lí cơn đau: Không phải tất cả bệnh nhân đều cải thiện chỉ nhờ thuốc giảm đau hoặc các biện pháp can thiệp. Người bệnh là một phần quan trọng trong việc quản lý cơn đau và chịu trách nhiệm cho việc cải thiện sức khỏe của mình. Việc nỗ lực cải thiện sức khỏe của người bệnh là rất quan trọng.

Để tối đa hiệu quả kiểm soát cơn đau, người bệnh phải hiểu rõ về bản thân và cơn đau của mình. Bạn cần trao đổi với bác sĩ điều trị về bản chất cơn đau của bạn, nguyên nhân tại sao bạn đau và các triệu chứng kéo dài trong bao lâu? Bạn có thể đánh giá và ghi lại nhật ký cơn đau: Đau khi nào, ở đâu trong cơ thể, kéo dài bao lâu, cảm thấy thế nào, cái gì kích hoạt nó, bạn làm gì sẽ thấy tốt hơn và tệ hơn…? Việc cân bằng được giữa hoạt động của bản thân và cơn đau có thể khó khăn. Nếu bạn cố gắng hoạt động quá nhiều có thể làm trầm trọng và kéo dài cơn đau hơn hoặc tình trạng mệt mỏi cũng làm cơn đau bùng phát thêm. Ngược lại, nếu bạn chọn nghỉ ngơi nhiều, nó có thể làm giảm khả năng thể chất của bạn. Lâu dài, nó sẽ dẫn đến tình trạng tăng nhạy cảm đau (cảm giác đau nhiều hơn), giảm khả năng chịu đựng,  căng thẳng về cảm xúc tác động xấu đến hoạt động hàng ngày.

        Chiến lược và nguồn lực để tự mình kiểm soát cơn đau

Sẽ hữu ích hơn nếu bạn thực hiện theo một kế hoạch như:

  • Lên kế hoạch cho các hoạt động bạn muốn làm và cần làm. Viết chúng ra thành danh sách những việc cần làm trong ngắn hạn và dài hạn
  • Cố gắng dàn trải các hoạt động trong ngày thành nhiều tuần. Tránh gộp nhiều việc nặng cùng lúc, cân bằng với việc nhẹ nhàng hơn.
  • Hãy nhớ rằng bạn có thể sử dụng thời gian nghỉ ngơi ngắn, thường xuyên. Và hãy tận hưởng hoạt động của bạn

        Các liệu pháp kiểm soát cơn đau:

  • Vật lý trị liệu: Các bài tập thể dục, dụng cụ hỗ trợ nhằm tạo thăng bằng và kéo dãn nhằm tăng cường hoạt động thể chất của bạn. Tham gia vào các hoạt động mong muốn kể cả là làm việc.
  • Tâm lý trị liệu: Trao đổi với chuyên gia tâm lý để hiểu rõ hơn về hành vi và cách suy nghĩ, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống.
  • Liệu pháp thư giãn: Thiền, yoga, thái cực quyền giúp bạn thư giãn sâu hơn
  • Hỗ trợ từ người khác: Tìm kiếm sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, chuyên gia y tế để thoát khỏi trạng thái đơn độc một mình tạo ra từ cơn đau.
  • Các liệu pháp sinh học: Duy trì thói quen ngủ lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ và dinh dưỡng hợp lý để cải thiện sức khỏe thể chất và giảm đau.

 

        Khi có cơn đau đột xuất

“Nếu không may xảy ra các cơn đau đột xuất, bất kể việc kiểm soát bằng thuốc và các hoạt động trên. Bạn phải xác định sự bùng phát cơn đau bất thường ấy là một sự việc “rất bình thường” trong quá trình này. Khi đó bạn cần bình tĩnh, không hoảng loạn và tìm hiểu xem có nguyên nhân tiềm ẩn nào gây ra nó và có thể giải quyết được không. Bạn có thể dùng thuốc, hoạt động thể chất, nghỉ ngơi, thư giãn, gia đình, công việc…”

      Các câu hỏi thường gặp

Thuốc giảm đau ung thư của tôi có gây ra tác dụng phụ không?

Hầu hết mọi người lo lắng về tác dụng phụ của thuốc giảm đau. Có những người bệnh có cảm giác ái ngại dẫn dẫn đến không dám dùng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, khi cơn đau làm cho bạn không ngủ và nghỉ ngơi được sẽ dẫn đến tình trạng trầm trọng cho thể chất của bạn. Điều quan trọng là phải thảo luận về bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc giảm đau với bác sĩ điều trị để có thể điều chỉnh kế hoạch điều trị khi cần thiết.

Cơn đau do ung thư có đến rồi đi không?

Một số loại đau do ung thư đến rồi đi. Trong trường hợp này, chỉ dùng thuốc giảm đau khi cần thiết hoặc liệu pháp hỗ trợ có thể hữu ích. Nếu cơn đau dai dẳng hoặc xảy ra thường xuyên trong ngày, cần sử dụng các thuốc tác dụng kéo dài hoặc thuốc giải phóng theo thời gian.

Có phải một số loại ung thư gây đau nhiều hơn những loại khác không?

Ung thư tái phát hoặc giai đoạn tiến triển đã di căn sang các vùng khác của cơ thể có thể gây đau nhiều hơn.

Kiểm soát cơn đau là một phần quan trọng trong hành trình điều trị ung thư. Hiểu rõ nguyên nhân, theo dõi triệu chứng, và áp dụng các chiến lược kiểm soát đau sẽ giúp bạn cải thiện chất lượng cuộc sống và cảm thấy thoải mái hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *