Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong chăm sóc và nâng cao thể trạng cho người bệnh ung thư. Tình trạng dinh dưỡng kém sẽ làm ảnh hưởng đến đáp ứng điều trị, tăng thời gian nằm viện, tăng nguy cơ biến chứng cũng như tỷ lệ tử vong và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Song song với việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, an toàn thực phẩm cũng là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt đối với bệnh nhân ung thư, cả trong và sau khi điều trị. Tủ lạnh là vật dụng bảo quản thực phẩm phổ biến trong mỗi gia đình, tuy nhiên không phải ai cũng biết sử dụng đúng cách. Nhiều người lầm tưởng rằng thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh là hoàn toàn an toàn, nhưng thực tế, ở nhiệt độ tủ lạnh, vi sinh vật chỉ bị ức chế hoạt động chứ không bị tiêu diệt. Việc bảo quản thực phẩm không đúng cách có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc, hao hụt dinh dưỡng, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người sử dụng.
1. Tại sao bảo quản thực phẩm đúng cách lại quan trọng đối với người bệnh ung thư
- Hệ miễn dịch suy yếu: Người bệnh sau khi trải qua quá trình điều trị với nhiều phương pháp khác nhau như hóa trị, xạ trị và cấy ghép tế bào gốc/tủy xương… thường làm cho hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu, dễ có nguy cơ nhiễm bệnh từ vi khuẩn, vi rút, kí sinh trùng, nấm mốc… có trong môi trường sống và đặc biệt từ những thực phẩm.
- Nguy cơ nhiễm trùng tăng cao: Bảo quản thực phẩm không đúng cách làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo vi khuẩn giữa các loại thực phẩm, từ đó tăng nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt đối với người bệnh ung thư có hệ miễn dịch suy giảm.
2. Nguyên tắc chung trong bảo quản thực phẩm
– Luôn giữ tủ lạnh ở nhiệt độ thích hợp (-18 độ C hoặc thấp hơn đối với ngăn đá, 4 độ C hoặc thấp hơn đối với ngăn mát) để bảo đảm giữ nguyên các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm.
– Vệ sinh tủ lạnh định kỳ ít nhất 1 tháng/ 1 lần để tránh vi khuẩn và nấm mốc. Một chiếc tủ lạnh sạch sẽ và ngăn nắp có thể giúp thực phẩm của bạn không bị hỏng và giúp giảm nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.
3. Mẹo bảo quản thực phẩm cụ thể
Thịt, cá và hải sản
- Lưu trữ ở ngăn đá hoặc phần lạnh nhất của tủ lạnh.
- Rửa sạch, chia thành từng phần nhỏ thích hợp, để trong bao bì kín, chống rò rỉ chất lỏng.
- Những thực phẩm đông lạnh sau khi được rã đông, tan hoàn toàn lớp băng đá thì vi khuẩn sẽ xâm nhập và nhân lên rất nhanh. Do đó, thực phẩm đã rã đông không nên cho lại vào tủ lạnh.
Rau củ
- Rửa sạch trước khi bảo quản, sử dụng dung dịch rửa rau củ.
- Bảo quản trong túi lưới hoặc hộp có lỗ thoáng.
- Các loại rau củ không nên bảo quản trong tủ lạnh như: Cà rốt, bí đỏ, dưa, hành… có thể lưu trữ ở nhiệt độ phòng. Dưa chuột, ớt xanh để trong tủ lạnh một thời gian dài sẽ có xu hướng bị mềm và thối.
Trái cây
- Bảo quản trái cây tươi sạch, tránh để chúng tiếp xúc trực tiếp với thịt sống.
- Nên ăn trái cây để lạnh trong vòng 1 – 3 ngày để có được hương vị và độ tươi tối đa
- Một số trái cây không nên bảo quản trong tủ lạnh như Chuối, xoài, trái cây nhiệt đới và cận nhiệt đới có khả năng thích ứng nhiệt độ thấp, nếu được đặt trong tủ lạnh, trái cây được giữ lạnh nhưng sẽ ảnh hưởng đến hương vị.
Sản phẩm sữa
- Sữa tươi giữ ở ngăn mát, tránh để gần cửa tủ lạnh. Bởi cửa tủ lạnh là nơi dao động nhiệt độ nhiều nhất do hoạt động đóng – mở mỗi ngày. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian bảo quản thực phẩm. Chỉ đặt những thứ như nước hoa quả, nước lọc và gia vị vào đó.
- Kiểm tra hạn sử dụng thường xuyên.
Thực phẩm đóng hộp và đóng gói
- Chỉ mở khi sử dụng và bảo quản phần còn lại trong bình kín.
- Tránh bảo quản thực phẩm quá lâu dù đã đóng gói.
- Lưu ý khi chuẩn bị và lấy thực phẩm
- Rửa tay thường xuyên khi xử lý thực phẩm.
- Sử dụng dụng cụ sạch, phân biệt dụng cụ cho thực phẩm sống và chín.
- Tránh dùng chung dụng cụ cho thực phẩm sống và thực phẩm đã chế biến.
- Khuyến nghị chung
- Thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh thích hợp.
- Dán nhãn ghi tên thực phẩm và ngày nấu trực tiếp lên hộp hoặc túi và đảm bảo loại bỏ mọi thức ăn thừa chưa sử dụng khỏi tủ lạnh nếu quá thời hạn sử dụng an toàn.
- Để đảm bảo an toàn khi ăn thực phẩm đã nấu chín, cần bảo quản thực phẩm đã nấu chín trong tủ lạnh trong vòng hai giờ sau khi nấu và tiêu thụ trong vòng 3-4 ngày (có thể cần loại bỏ ngay nếu thực phẩm xuất hiện các biến đổi bất thường).
- Ngoài ra, khi lưu trữ trong tủ lạnh, tránh để các thực phẩm sống và chín lẫn lộn với nhau; để ngăn chặn mùi hôi thì nên sử dụng túi nilon hoặc màng bọc thực phẩm.
An toàn thực phẩm đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với tất cả mọi người, đặc biệt là bệnh nhân ung thư trong và sau quá trình điều trị. Bảo quản thực phẩm an toàn là một phần thiết yếu trong quá trình điều trị ung thư, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Do đó, việc trang bị kiến thức và thực hành các mẹo bảo quản thực phẩm hợp lý là điều cần thiết cho cả bệnh nhân ung thư và những người chăm sóc họ.