Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 của Bộ Y tế và các văn bản chỉ đạo của Sở y tế về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế năm 2022, thời gian qua, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, xây dựng môi trường bệnh viện an toàn, thân thiện đồng thời tập trung tuyên truyền cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hạn chế sử dụng túi nilon và các vật liệu từ nhựa trong bệnh viện.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân gây phát sinh nhiều chất thải nhựa xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm rác thải nhựa y tế, rác thải nhựa sinh hoạt. Cụ thể: các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế; các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế; hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất…
Là bệnh viện chuyên khoa hàng đầu tuyến tỉnh, mỗi ngày, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đón tiếp từ 500 – 600 lượt bệnh nhân đến khám, trung bình mỗi tháng có khoảng 1000 lượt bệnh nhân điều trị nội trú. Với quyết tâm giảm thải chất thải nhựa trong hoạt động khám chữa bệnh, ngay từ đầu năm, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã xây dựng kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa tại bệnh viện; Tổ chức truyền thông sâu rộng đến toàn thể nhân viên, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân bằng các áp phích, video tuyên truyền trực quan, sinh động với nội dung cảnh báo về các tác hại của nhựa, nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa, đặc biệt là sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần; từng bước xây dựng thái độ nói không với sản phẩm nhựa dùng 1 lần và hướng dẫn các hành vi, phương thức nhằm thay thế đồ nhựa dùng 1 lần bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Để thực hiện triệt để việc giảm thải rác thải nhựa, Ban Giám đốc bệnh viện đã chỉ đạo áp dụng ngay kể từ năm 2020, trong tất cả các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn được tổ chức tại bệnh viện sẽ hạn chế tối đa sử dụng các chai nước suối nhựa nhỏ, thay thế vào đó là sử dụng các bình nước thủy tinh có thể tái sử dụng… Loại bỏ hoàn toàn ống hút nhựa, ly nhựa sử dụng 1 lần.
Về vấn đề phân loại rác thải nhựa, Bệnh viện đã triển khai đặt thùng rác, túi đựng theo đúng mã màu quy định tại Thông tư 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.
Cụ thể, tần suất thu gom chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế tối thiểu một lần một ngày. Bên cạnh đó, đối với chất thải lây nhiễm phát sinh tại cơ sở y tế, thời gian lưu giữ không quá 02 ngày trong điều kiện bình thường; trường hợp lưu giữ chất thải lây nhiễm trong thiết bị bảo quản lạnh ở nhiệt độ dưới 8oC, thời gian lưu giữ tối đa không quá 07 ngày.
Ngoài ra, cơ sở y tế phải thực hiện các biện pháp sau để giảm thiểu phát sinh chất thải y tế: Mua sắm, lắp đặt, sử dụng vật tư, thiết bị, dụng cụ, thuốc, hóa chất và các nguyên, vật liệu phù hợp với nhu cầu sử dụng; Đổi mới thiết bị, quy trình trong hoạt động chuyên môn y tế; Có biện pháp, lộ trình và thực hiện hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần…
Tại các khoa lâm sàng, bệnh viện đã bố trí các thùng rác tại hành lang các tầng và có biển hướng dẫn phân loại; tuyên truyền bằng hình ảnh pano, tivi đặt ngoài hành lang, hướng dẫn nội quy cho người bệnh trước khi nhập viện.
Bên cạnh các rác thải y tế từ hoạt động phẫu thuật, khám, chữa bệnh như kim tiêm, bông, gạc, bệnh phẩm sau xét nghiệm… có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm cao thì không ít rác thải từ sinh hoạt của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không chứa các tác nhân gây hại, truyền nhiễm từ dịch tiết cơ thể, vỏ hộp bánh, lon nước ngọt, chai nhựa… đã được nhân viên y tế phân loại và thu gom hợp lý có thể tái sử dụng, giảm thiểu lượng rác phát sinh hằng ngày ra môi trường, góp phần giữ gìn cảnh quan môi trường sạch đẹp, giảm tình trạng nhiễm khuẩn, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại bệnh viện.
Bệnh viện cũng triển khai những hoạt động thiết thực nhằm giảm thiểu chất thải nhựa như: Tổ chức Ký cam kết giảm thải chất thải nhựa giữa các khoa phòng; Tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống; Hạn chế sử dụng túi ni lông đóng gói thuốc; sử dụng cốc, bình nước thủy tinh thay thế sản phẩm nhựa dùng 1 lần trong các hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn, đào tạo; Sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như túi giấy, túi nilon tự hủy sinh học… Qua đó xây dựng môi trường bệnh viện an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.