Chụp Xạ hình xương có ảnh hưởng sức khỏe không?

Để đánh giá các trạng thái sinh lý, chuyển hóa và trao đổi chất của hệ xương khớp xạ hình xương là phương pháp duy nhất. Phương pháp này đạt độ nhạy cao (>95%), giúp phát hiện sớm di căn ung thư vào xương, chấn thương kín. Tuy nhiên, rất nhiều người lo lắng khi xạ hình xương sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mình, hãy cùng các chuyên gia bệnh viện Ung bướu Nghệ An tìm hiểu về điều này

Xạ hình xương là gì?

Xạ hình xương là phương pháp xét nghiệm sử dụng các đồng vị phóng xạ tiêm vào cơ thể người bệnh, sau đó sử dụng thiết bị ghi hình thu lại những bức xạ rồi biến đổi thành tín hiệu và chuyển thành hình ảnh, giúp bác sĩ tìm ra những tổn thương ở trong xương của người bệnh.

Xạ hình xương là phương pháp duy nhất đánh giá được các trạng thái sinh lý, chuyển hóa và trao đổi chất của hệ xương khớp. Phương pháp đạt độ nhạy cao (>95%), giúp phát hiện sớm di căn ung thư vào xương, chấn thương kín. 

Khi nào bạn có thể thực hiện xạ hình xương?

Bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn thực hiện phương pháp này nhằm chẩn đoán các rối loạn về xương như:

+ Bệnh ung thư: phát hiện ung thư xương nguyên phát, di căn xương.+ U xương, nang xương, cốt tủy viêm, viêm khớp nhiễm trùng.+ Chấn thương kín.+ Hoại tử vô mạch, bệnh chuyển hóa: loãng xương, nhuyễn xương…+ Theo dõi xương ghép.+ Đau xương không rõ nguyên nhân…+ Đánh giá đáp ứng điều trị hoá chất, điều trị phóng xạ, điều trị bằng kháng sinh hoặc các điều trị khác.+ Xác định vị trí để chọc dò, sinh thiết xương B.ệnh nhân đang được tiến hành chụp Xạ hình xương

Chụp xạ hình xương có ảnh hưởng gì không?

+ Những ảnh hưởng của chất dẫn phóng xạ gần như không có, chúng sẽ được đào thải khỏi cơ thể bạn trong vòng 24 giờ và không hề để lại bất cứ di chứng hay rủi ro gì.

+ Ngoài ra, sau khi chụp xạ hình xương không cần phải cách ly với những người xung quanh vì như đã nói ở trên, lượng phóng xạ trong cơ thể bạn sẽ được đào thải ra rất nhanh chóng.

+ Bạn cũng có thể bị sưng hoặc đau tại vị trí kim đâm vào trong quá trình tiêm tĩnh mạch, nhưng các triệu chứng này sẽ thuyên giảm nhanh chóng và không để lại ảnh hưởng gì cho người bệnh.

   

Những chuẩn bị và lưu ý khi chụp xạ hình xương

+ Bạn không thể chụp nếu bạn mới chụp XQuang có cản quang trong vòng 24 giờ, hoặc mới làm xét nghiệm Y học hạt nhân khác.

+ Nếu bạn đang có thai hoặc nghi ngờ có thai thì bạn nên báo với bác sĩ trước khi thực hiện, vì giống với tia X, chất đánh dấu phóng xạ có thể ảnh hưởng đến thai nhi  

+ Nếu bạn đang cho con bú thì nên dừng cho bú từ 1-2 ngày vì chất dẫn phóng xạ có thể đi vào sữa mẹ. Bạn nên vứt bỏ sữa tiết ra trong 1-2 ngày sau khi thực hiện chụp xạ.

+ Nếu bạn sử dụng một số loại thuốc như thuốc xổ bari, thuốc Pepto-Bismol thì nên báo với bác sĩ vì thành phần của những loại thuốc này có ảnh hưởng đến kết quả chụp xạ xương.

+ Bạn đảm bảo uống đủ 2 lít nước và đi tiểu nhiều lần trong thời gian 2-4 giờ (thường là 3 giờ) trước khi chụp hình. Thực hiện truyền dịch (2000ml) nếu bạn không có khả năng uống nước. Không được để nước tiểu dính vào da và quần áo, nếu có thì phải tắm, lau rửa, thay quần áo.  

+ Đi tiểu ngay trước khi chụp hình, tháo bỏ tất cả những vật gây ảnh hưởng tới chất lượng hình ảnh: thắt lưng, vòng cổ, điện thoại di động, quần áo có khóa cúc cản chùm tia… 

Xạ hình xương là phương pháp chẩn đoán hiệu quả hỗ trợ các bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh cũng như hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị. Ngoài những thông tin trên đây, nếu còn thắc mắc nào vui lòng liên hệ ThS.BS.Nguyễn Ngọc Thắng – Trưởng khoa Y học hạt nhân – Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An để được tư vấn, theo số điện thoại 091.248.0033 .

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *