Ung thư thực quản – Tài liệu dành cho người bệnh và cộng đồng

UNG THƯ THỰC QUẢN

(TÀI LIỆU DÀNH CHO NGƯỜI BỆNH VÀ CỘNG ĐỒNG)

MỤC LỤC

Ung thư thực quản là gì?…………………………………………………………………………….. 3

Những yếu tố nguy cơ của ung thư thực quản………………………………………………………… 7

Chúng ta đã biết được nguyên nhân nào gây ung thư thực quản chưa?……………………………… 12

Ung thư thực quản có thể được phòng tránh?………………………………………………………. 13

Ung thư thực quản có thể được phát hiện sớm?…………………………………………………….. 14

Những dấu hiệu của ung thư thực quản?…………………………………………………………… 16

Ung thư thực quản được chẩn đoán như thế nào?………………………………………………….. 18

Phân chia giai đoạn của ung thư thực quản…………………………………………………………. 26

Thời gian sống thêm theo các giai đoạn của ung thư thực quản……………………………………….. 30

Điều trị ung thư thực quản như thế nào?……………………………………………………………. 31

Phẫu thuật điều trị ung thư thực quản………………………………………………………………. 32

Xạ trị ung thư thực quản…………………………………………………………………………… 35

Điều trị toàn thân (Hoá chất và điều trị đích) ung thư thực quản………………………………………. 36

Điều trị ung thư thực quản khi tái phát……………………………………………………………… 38

Ung thư thực quản là gì?

Thực quản là một ống cơ rỗng nối liền từ họng tới dạ dày, nằm sau khí quản và trước các xương cột sống.

Thức ăn và  dịch lỏng  sau khi được nuốt, đi qua bên trong thực quản (gọi là lòng thực quản) để đến dạ dày. Ở người lớn, thực quản thường dài khoảng 25 – 35 cm, ở đoạn hẹp nhất thực quản có đường kính khoảng 2 cm.

Thành thực quản được cấu tạo bởi nhiều lớp, đặc điểm này có ý nghĩa quan trọng để hiểu được ung thư thực quản phát sinh từ đâu và nó phát triển như thế nào.

Lớp niêm mạc: lớp trong cùng thực quản, gồm 3 phần:

Lớp biểu mô bao phủ bên trong lòng thực quản, tạo bởi những tế bào mỏng, dẹt, gọi là tế bào vảy. Đây là nơi thường phát sinh nhất của ung thư thực quản.

Màng đáy: màng liên kết mỏng ngay sát dưới lớp biểu mô.

Lớp cơ niêm: lớp cơ rất mỏng nằm ở dưới màng đáy.

Lớp dưới niêm mạc: đây là lớp mô liên kết nằm sát dưới lớp niêm mạc, chứa những mạch máu và thần kinh. Ở một số đoạn của thực quản, lớp dưới niêm còn có các tuyến tiết chất nhầy.

Lớp cơ: là lớp cơ dày bao ngoài lớp dưới niêm, nó co bóp phối hợp, nhịp nhàng để đẩy thức ăn dọc theo chiều dài thực quản từ họng xuống đến dạ dày.

Lớp mô liên kết xung quanh thực quản: đây là lớp ngoài cùng của thực quản, tạo nên bởi tổ chức mô liên kết (xơ).

Đầu trên của thực quản có một vùng cơ đặc biệt  có khả năng giãn ra để mở lòng thực quản khi  có thức ăn hay nước đến. Đoạn này gọi là cơ thắt thực quản trên.

Đầu dưới thực quản nối với dạ dày, được gọi là đoạn nối thực quản dạ dày. Một vùng cơ đặc biệt ở gần đoạn nối thực quản tâm vị được gọi là cơ thắt thực quản dưới, điều hòa lưu thông thức ăn từ thực quản vào dạ dày. Giữa các bữa ăn, vùng cơ này thắt lại để giữ dịch acid và dịch tiêu hóa ở dạ dày không trào ngược lên thực quản.

Loạn sản ở thực quản

Loạn sản là một tổn thương tiền ung thư, các tế bào biểu mô lát bên trong lòng thực quản có hình dạng bất thường khi quan sát dưới kính hiển vi. Đôi khi, tình trạng này được thấy ở những người có dạng tổn thương gọi là Barrett thực quản, sẽ được mô tả kỹ hơn ở phần những yếu tố nguy cơ của ung thư thực quản.

Tình trạng loạn sản được phân độ tùy theo sự bất thường của các tế bào được nhìn thấy dưới kính hiển vi. Những tế bào loạn sản độ thấp có hình dạng giống tế bào bình thường hơn, loạn sản độ cao thường dẫn đến nguy cơ cao chuyển thành ung thư.

Ung thư thực quản

Ung thư thực quản phát sinh từ lớp trong cùng (lớp biểu mô) và phát triển ra ngoài (xâm lấn qua các lớp dưới niêm mạc và lớp cơ). Có 2 loại tế bào biểu mô thực quản tương ứng có 2 loại (type) ung thư thực quản chính:

Ung thư biểu mô tế bào vảy

Thực quản bình thường được phủ mặt trong bởi các tế bào vảy. Ung thư xuất phát từ những tế bào này được gọi là ung thư biểu mô tế bào vảy, có thể xảy ra ở bất kỳ đoạn nào của thực quản. Trước đây, ung thư biểu mô vảy là týp thường gặp hơn, nhưng theo thời gian đã có sự thay đổi, hiện nay ung thư biểu mô vảy chỉ chiếm dưới 50% ung thư thực quản tại Mỹ. Tuy nhiên, tại Việt Nam ung thư biểu mô vảy vẫn chiếm đa số.

Ung thư biểu mô tuyến

Ung thư xuất phát từ các tế bào tuyến được gọi là ung thư biểu mô tuyến. Loại tế bào này không thường xuyên có ở mặt trong thực quản, trước khi xuất hiện ung thư, các tế bào tuyến phải thay thế một phần các tế bào vảy, hiện tượng này có trong bệnh thực quản Barrett, thường chủ yếu xảy ra ở đoạn thấp thực quản và cũng là nơi phát sinh thường gặp ung thư biểu mô tuyến.

Ung thư biểu mô tuyến khi phát sinh từ vùng nối thực quản và dạ dày bao gồm đoạn ngắn đầu dạ dày (tâm vị) có những đặc điểm giống ung thư thực quản (phương pháp điều trị giống nhau) vì thế được xếp cùng nhóm ung thư thực quản.

Những ung thư hiếm gặp

Những loại ung thư khác cũng có thể xuất hiện ở thực quản, như lymphoma, u hắc tố, và ung thư mô liên kết (sarcoma). Nhưng do rất hiếm gặp nên những loại này sẽ không được đề cập thêm trong tài liệu này.

Những yếu tố nguy cơ của ung thư thực quản

Yếu tố nguy cơ là bất cứ điều gì  làm bạn có nhiều khả năng mắc bệnh ung thư hơn, mỗi bệnh ung thư có các yếu tố nguy cơ khác nhau. Một số yếu tố chúng ta có thể thay đổi được, ngược lại một số đặc điểm như tuổi, yếu tố gia đình …thì không thể thay đổi được.

Tuy nhiên, có một hay thậm chí vài yếu tố nguy cơ không có nghĩa là bạn sẽ mắc bệnh ung thư đó. Rất nhiều người có yếu tố nguy cơ nhưng không bao giờ mắc ung thư thực quản, trong khi đó cũng có những bệnh nhân ung thư thực quản có thể có ít hay không có yếu tố nguy cơ nào.

Tuổi

Khả năng mắc ung thư thực quản thấp ở người trẻ tuổi, tăng dần theo thời gian. Có ít hơn 15% trường hợp ung thư thực quản được phát hiện ở người dưới 55 tuổi.

Giới

Nam giới có nguy cơ mắc cao hơn nữ giới khoảng 3 lần.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Bình thường, dạ dày sản xuất ra dịch acid và men rất mạnh (dịch vị) để giúp tiêu hóa thức ăn. Ở một số người, dịch acid đó có thể đi từ dạ dày lên đoạn dưới của thực quản, Y học gọi tình trạng đó là trào ngược dạ dày thực quản. Triệu chứng thường gặp là cảm giác đau, nóng rát ở phần giữa sau xương ức. Mặc dù vậy, trào ngược cũng có thể không gây bất kỳ biểu hiện nào.

Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản làm tăng nhẹ nguy cơ mắc ung thư biểu mô tuyến ở thực quản, nguy cơ này có vẻ cao hơn ở những người biểu hiện triệu chứng trào ngược thường xuyên. Tuy nhiên, trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý rất phổ biến và phần lớn những người bị sẽ không tiến triển thành ung thư thực quản. Trào ngược cũng có thể dẫn đến thực quản Barrett, là tình trạng có nguy cơ cao hơn (xem thêm phần dưới).

Bệnh Barrett thực quản

Tình trạng trào ngược dịch acid ở dạ dày lên đoạn thấp thực quản diễn ra trong một thời gian dài sẽ làm tổn thương và thay đổi lớp niêm mạc thực quản, những tế bào vảy bình thường sẽ bị thay thế bởi các tế bào tuyến. Những tế bào tuyến này giống như những tế bào lát ở mặt trong dạ dày hay ruột non, do đó có khả năng kháng lại dịch acid dạ dày hơn. Tổn thương này được gọi tên thực quản Barrett.

Quá trình trào ngược càng kéo dài, thực quản của bạn càng có nhiều khả năng trở thành thực quản Barrett. Biểu hiện thường gặp cũng là cảm giác đau, nóng rát ở đoạn giữa sau xương ức, nhưng cũng có nhiều người không biểu hiện triệu chứng gì.

Những tế bào tuyến của thực quản Barrett dần dần theo thời gian có thể trở nên bất thường, tạo nên những tế bào loạn sản, một tổn thương tiền ung thư đã nhắc đến ở phần trước.

Những người có thực quản Barrett có nhiều khả năng tiến triển thành ung thư biểu mô tuyến, nguy cơ cao hơn nếu có kèm theo tình trạng loạn sản hay ở những người có người thân trong gia đình cũng có thực quản Barrett.

Thuốc lá và rượu bia

Hút thuốc hay sử dụng những sản phẩm từ thuốc lá là một yếu tố nguy cơ phổ biến của ung thư thực quản. Càng sử dụng nhiều và kéo dài, nguy cơ mắc ung thư càng tăng cao. Những người hút một bao thuốc lá hoặc hơn trong một ngày có nguy cơ mắc ung thư biểu mô tuyến ở thực quản cao gấp 2 lần người bình thường. Tỷ lệ này càng cao với ung thư biểu mô vảy của thực quản. Khả năng mắc ung thư sẽ giảm xuống sau khi ngừng sử dụng thuốc lá.

Uống rượu bia hay các thức uống có cồn khác cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản. Nguy cơ này càng tăng tỷ lệ với mức độ sử dụng rượu. Rượu bia ảnh hưởng đến nguy cơ mắc ung thư biểu mô vảy hơn so với ung thư biểu mô tuyến.

Sử dụng cả rượu bia và thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản hơn so với những người chỉ hút thuốc hay uống rượu.

Béo phì

Những người thừa cân hay béo phì có khả năng mắc ung thư biểu mô tuyến thực quản cao hơn. Hiện tượng này được giải thích do ở những người này tình trạng trào ngược dạ dày thực quản rất thường gặp.

Chế độ ăn

Một số thành phần trong thức ăn có thể tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản. Một số giả thuyết cho rằng chế độ ăn có nhiều thịt bảo quản (thịt hun khói, thịt muối) làm tăng khả năng xuất hiện ung thư thực quản. Điều này dựa trên tỷ lệ phân bố cao ung thư thực quản ở một số khu vực trên thế giới. Mặt khác, hoa quả, các loại rau làm giảm nguy cơ ung thư thực quản. Nguyên nhân chính xác của hiện tượng này vẫn chưa rõ ràng, giả thuyết cho rằng lượng lớn vitamin và chất khoáng trong rau quả có thể giúp phòng tránh ung thư.

Uống nhiều đồ uống nóng thường xuyên có thể tăng nguy cơ xuất hiện ung thư biểu mô vảy ở thực quản. Điều này do đồ uống nóng làm tổn thương lớp biểu mô thực quản trong thời gian dài.

Chế độ ăn quá nhiều, dẫn đến béo phì do đó cũng là một yếu tố nguy cơ của ung thư thực quản.

Co thắt tâm vị

Đây là tình trạng bệnh lý khi đó cơ thắt thực quản dưới không co giãn phù hợp. Thức ăn và nước gặp khó khăn để đi xuống dạ dày nên ứ đọng trong thực

quản, làm thực quản dần dần giãn rộng. Những tế bào của lớp niêm mạc tiếp xúc lâu hơn với thức ăn, bị kích thích kéo dài.

Những người mắc bệnh co thắt tâm vị có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn nhiều lần bình thường. Trung bình, ung thư được phát hiện sau khi tình trạng co thắt tâm vị được chẩn đoán 15 – 20 năm.

Tylosis

Bệnh di truyền hiếm gặp, dẫn đến tình trạng phát triển quá mức lớp ngoài cùng của da lòng bàn tay, bàn chân (dày sừng lòng bàn tay, chân). Những người bệnh này cũng có thể kèm theo những tổn thương quá sản nhỏ ở thực quản ( u nhú), có nguy cơ rất cao phát triển thành ung thư biểu mô vảy của thực quản.

Những người bệnh này phải được theo dõi sát để có thể phát hiện ung thư thực quản ở giai đoạn sớm. Việc theo dõi thực hiện bằng nội soi thực quản thường xuyên. (xem thêm phần Chẩn đoán ung thư thực quản như thế nào?).

Hội chứng Plummer Wilson

Những bệnh nhân mắc hội chứng hiếm gặp này có những màng mỏng ở đoạn trên thực quản, kèm theo những biểu hiện đặc trưng như thiếu máu ( giảm số lượng hồng cầu) do thiếu sắt, viêm lưỡi, móng tay giòn dễ gãy, một số trường hợp có tuyến giáp hay lách to. Một tên khác của hội chứng này là Paterson – Kelly.

Lớp màng lan rộng trong lớp niêm mạc thực quản tạo nên một đoạn hẹp lòng thực quản, dẫn đến những rối loạn về nuốt.

Khoảng 1 trong10 bệnh nhân hội chứng này sẽ phát triển thành ung thư biểu mô vảy của thực quản, đặc biệt ở đoạn dưới hạ họng.

Yếu tố nghề nghiệp

Một số công việc phải tiếp xúc với chất hóa học có thể dẫn đến nguy cơ xuất hiện ung thư thực quản. Ví dụ, tiếp xúc với những dung dịch sử dụng trong giặt khô có thể gây ung thư thực quản. Một vài nghiên cứu cho thấy những công nhân giặt khô có tỷ lệ cao hơn mắc ung thư thực quản.

Tổn thương thực quản

Dung dịch kiềm là dung dịch hóa học sử dụng phổ biến trong công nghiệp cũng như ở gia đình, để tẩy rửa, là một tác nhân gây tổn thương tế bào rất mạnh. Tai nạn uống nhầm dung dịch nước tẩy rửa có thể gây nên tình trạng bỏng nặng thực quản. Khi tổn thương hồi phục, hậu quả gây hẹp một đoạn thực quản, làm tăng nguy cơ ung thư thực quản, có thể xuất hiện nhiều năm sau đó.

Tiền sử mắc những bệnh ung thư khác

Những người đã từng mắc những bệnh ung thư khác, như ung thư phổi, ung thư khoang miệng, ung thư họng, có nguy cơ cao mắc ung thư biểu mô vảy ở thực quản. Điều này có thể do những ung thư này đều liên quan chặt chẽ đến việc sử dụng thuốc lá.

Nhiễm virus sinh u nhú ở người (HPV)

HPV là một nhóm gồm hơn 100 virus khác nhau. HPV gây nên những tổn thương u nhú. Nhiễm HPV liên quan đến một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư họng, ung thư hậu môn và ung thư cổ tử cung.

Tình trạng nhiễm HPV có ở hơn 1/3 số trường hợp ung thư thực quản ở các bệnh nhân khu vực châu Á và Nam Phi, tuy nhiên ở những khu vực khác như Mỹ.. lại không có hiện tượng này.

Chúng ta đã biết được nguyên nhân nào gây ung thư thực quản chưa?

Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa biết được chính xác nguyên nhân gây ung thư thực quản. Tuy nhiên chúng ta đã tìm được một số yếu tố nguy cơ tạo điều kiện cho sự xuất hiện ung thư thực quản. (xem thêm phần Các yếu tố nguy cơ của ung thư thực quản).

Các nhà khoa học tin rằng một số yếu tố nguy cơ, như việc sử dụng thuốc lá hay rượu bia có thể gây ung thư thực quản bằng cách làm hủy hoại DNA của các tế bào phủ mặt trong thực quản (lớp biểu mô). Quá trình kích thích lâu dài lớp biểu mô thực quản, như trong tình trạng trào ngược dạ dày thực quản, thực quản Barrett, co thắt tâm vị, hội chứng Plummer Vinson, hay bỏng thực quản do nuốt dung dịch kiềm, cũng dẫn đến tổn thương DNA.

DNA là một thành phần quan trọng trong mỗi tế bào, mang bộ gen – được ví như bộ não của tế bào, sẽ điều khiển mọi hoạt động của tế bào. Chúng ta thường có ngoại hình giống với bố mẹ, bởi vì họ là nguồn gốc của bộ gen chúng ta. Tuy nhiên, DNA có nhiều ảnh hưởng hơn thế. Một số gen quy định khi nào tế bào phát triển, phân chia thành tế bào mới hay chết đi. Những gen giúp tế bào phát triển, phân chia được gọi là các gen sinh u (oncogene). Những gen làm chậm sự phân chia tế bào hoặc làm tế bào chết vào đúng thời điểm, được gọi là các gen ức chế

  1. Ung thư có thể xuất hiện do thay đổi trong DNA: kích hoạt các gen sinh u và ngừng hoạt động các gen ức chế u.

DNA của các tế bào ung thư thực quản thường có rất nhiều thay thổi ở nhiều gen khác nhau. Tuy nhiên, không có thay đổi ở một gen đặc hiệu nào được tìm thấy ở tất cả (hay hầu hết) ung thư thực quản.

Một số người thừa hưởng những biến đổi DNA (đột biến) di truyền từ cha mẹ, có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Nhưng ung thư thực quản

thường không có tính gia đình, và những đột biến gen di truyền không được xem là một nguyên nhân phổ biến của bệnh.

Ung thư thực quản có thể được phòng tránh?

Không thể phòng tránh được mọi ung thư thực quản, nhưng khả năng mắc phải căn bệnh này có thể giảm xuống đáng kể bằng cách loại bỏ những yếu tố nguy cơ.

Không sử dụng thuốc lá và rượu bia

Nguy cơ liên quan đến lối sống phổ biến nhất của ung thư thực quản là thuốc lá và những đồ uống có cồn. Không sử dụng rượu bia và thuốc lá là một trong những cách tốt nhất giúp hạn chế nguy cơ mắc ung thư thực quản của bạn.

Theo dõi chế độ ăn và cân nặng của bạn

Chế độ ăn lành mạnh và duy trì cân nặng phù hợp có ý nghĩa quan trọng. Chế độ ăn nhiều rau quả giúp bảo vệ cơ thể khỏi ung thư thực quản. Béo phì đã được chứng minh có liên quan đến ung thư thực quản đặc biệt với týp mô học ung thư biểu mô tuyến, do đó duy trì cân nặng thích hợp giúp hạn chế nguy cơ mắc căn bệnh này.

Điều trị trào ngược và thực quản Barrett

Điều trị triệt để tình trạng trào ngược giúp ngăn ngừa phát triển thành thực quản Barrett và ung thư thực quản. Thông thường, bạn sẽ được chỉ định một số loại thuốc ức chế bơm proton (PPI) như omeprazole, lansoprazole hay esomeprazole (nexium). Phẫu thuật cũng là một lựa chọn để điều trị trào ngược dạ dày thực quản.

Những người có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn như những người có thực quản Barrett nên được theo dõi sát bởi bác sỹ chuyên khoa nhằm phát hiện sớm những thay đổi bất thường của những tế bào biểu mô niêm mạc thực

quản. (xem thêm phần Ung thư thực quản có thể phát hiện sớm?) . Nếu tổn thương loạn sản xuất hiện ( một tình trạng tiền ung thư) việc điều trị là cần thiết để tránh để những tổn thương này phát triển thành ung thư thực quản.

Với những bệnh nhân có thực quản Barrett, điều trị với thuốc PPI liều cao giúp giảm thấp nguy cơ hình thành tế bào loạn sản những tế bào có khả năng trở thành tế bào ung thư. Nếu bạn có biểu hiện trào ngược (ợ hơi, ợ chua, đau nóng rát vùng ngực sau xương ức) dai dẳng, hãy thông báo cho bác sỹ của bạn. Điều trị sẽ giúp cải thiện những triệu chứng đó và ngăn ngừa những vấn đề xấu có thể xảy ra.

Một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ ung thư thực quản thấp hơn ở những người có thực quản Barrett được uống Aspirin hay những thuốc chống viêm không steroid khác (NSAIDs), như Ibuprofen, Paracetamol. Tuy nhiên, việc uống hàng ngày những thuốc này có thể dẫn đến những vấn đề khác như tổn thương thận, xuất huyết  dạ dày. Vì nguyên nhân này, hầu hết các bác sỹ không khuyên sử dụng NSAIDs để phòng tránh ung thư. Nếu bạn nghĩ đến việc sử dụng thường xuyên các thuốc NSAIDs, hãy thảo luận về những lợi ích và nguy cơ với bác sỹ của bạn. Các nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ mắc ung thư thực quản thấp hơn ở những người có thực quản Barrett sử dụng các thuốc statins, những thuốc điều trị tăng mỡ máu (cholesterol), như atovastatin (Lipitor)và rosuvastatin (Crestor).

Mặc dù vậy, do có thể dẫn đến những tác dụng phụ trầm trọng, những thuốc này cũng không được khuyên dùng với mục đích phòng tránh ung thư thực quản.

Ung thư thực quản có thể được phát hiện sớm?

                                                                                                    

Tìm ra những người mắc bệnh trong số những người không có triệu chứng được gọi là sàng lọc. Mục đích của việc sàng lọc là giúp chẩn đoán người mắc bệnh ung thư ở giai đoạn sớm, chưa biểu hiện triệu chứng, giai đoạn có thể chữa khỏi được, nhờ đó nâng cao hiệu quả điều trị.

Hiện chưa có một xét nghiệm sàng lọc nào cho thấy có thể làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư thực quản ở những người có nguy cơ mắc bệnh trung bình. Tuy nhiên, những người có nguy cơ cao mắc ung thư thực quản, như những người có thực quản Barrett, nên được theo dõi thường xuyên để phát hiện sớm

ung thư, hay những tổn thương tiền ung thư.

Kiểm tra những người có nguy cơ cao

Các chuyên gia khuyến cáo những đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư thực quản như người có thực quản Barrett nên được nội soi thực quản dạ dày thường xuyên. Bằng nội soi, thông qua ống nội soi mềm, bác sĩ có thể nhìn bên trong thực quản (xem thêm phần Ung thư thực quản được chẩn đoán như thế nào). Bác sỹ có thể sinh thiết một mảnh nhỏ tổ chức ở vùng thực quản Barrett để đánh gia tình trạng loạn sản (tiền ung thư) hay phát hiện tế bào ung thư.

Không có khuyến cáo rõ ràng về khoảng thời gian phù hợp để lặp lại nội soi thực quản dạ dày, tuy nhiên các chuyên gia khẳng định nội soi cần được tiến hành thường xuyên hơn khi tình trạng loạn sản được phát hiện, đặc biệt với những tổn thương loạn sản độ cao (những tế bào có hình dạng rất bất thường).

Trường hợp vùng thực quản Barrett rộng kèm theo có hay không tình trạng loạn sản độ cao, việc điều trị cần được tiến hành vì có nhiều khả năng ung thư thực quản đã xuất hiện nhưng chưa phát hiện được hay những tổn thương này sẽ tiến triển thành ung thư thực quản những năm sau đó. Những phương án điều trị có thể lựa chọn cho tổn thương loạn sản độ cao gồm phẫu thuật cắt bỏ phần thực quản bất thường, cắt niêm mạc qua nội soi, liệu pháp quang động học (PDT), cắt bằng sóng cao tần (RFA).

Những dấu hiệu của ung thư thực quản?

 

Ung thư thực quản thường được phát hiện khi ở giai đoạn có triệu chứng. Chẩn đoán ung thư thực quản có thể tình cờ trên những người chưa có triệu chứng, nhưng đi khám bệnh vì nguyên nhân khác. Thật không may, ung thư thực quản hầu như không gây ra triệu chứng gì cho đến khi bệnh ở giai đoạn tiến triển, khi đó việc điều trị đã trở nên khó khăn hơn.

Rối loạn nuốt

Triệu chứng phổ biến nhất của ung thư thực quản là các thay đổi khi nuốt, cảm giác vướng mắc thức ăn ở cổ, ngực hay nghẹn. Thuật ngữ y học gọi các rối loạn về nuốt đó là nuốt khó. Biểu hiện này thường nhẹ, mơ hồ lúc mới xuất hiện và tiến triển theo thời gian, khi lòng thực quản ngày càng bị u làm hẹp.

Khi việc nuốt trở nên khó khăn, người bệnh thường thay đổi thói quen và chế độ ăn của mình cho dễ dàng hơn mà không nhận ra nguyên nhân nguy hiểm của nó. Họ thường ăn từng miếng nhỏ hơn, nhai kỹ và chậm hơn, ăn thức ăn mềm như cháo, mì, phở, không thể ăn được bánh mì, cơm , thức ăn rắn hơn. Tình trạng nuốt khó càng trầm trọng, người bệnh sẽ dần dần chuyển từ chế độ ăn đặc (cơm, bánh mì, thịt…) sang ăn lỏng (cháo, nước cháo, sữa…) cho đến một lúc không thể uống được nữa.

Để giúp thức ăn có thể được nuốt dễ dàng qua thực quản hơn, cơ thể đáp ứng bằng tăng tiết nhiều nước bọt đây cũng là biểu hiện có thể gây khó chịu cho người bệnh.

Đau ngực

Một số người bệnh có biểu hiện đau, tức nghẹn, hay nóng rát ở phần giữa ngực, sau xương ức. Triệu chứng này có thể do nhiều nguyên nhân khác không phải ung thư thực quản.

Đau ngực xuất hiện khi nuốt khó, sau khi nuốt một vài giây khi thức ăn đi qua chỗ hẹp do khối u một cách khó khăn.

Sụt cân

Khoảng một nửa người bệnh ung thư thực quản có biểu hiện gầy sút cân không do chủ đích của họ. Nuốt khó làm cho người bệnh ăn kém đi, thiếu hụt chất dinh dưỡng kéo dài dẫn đến gầy sút cân.

Ngoài ra khối u còn ảnh hưởng đến cảm giác ngon miệng của người bệnh, tranh giành chất dinh dưỡng với những cơ quan khỏe mạnh.

Những triệu chứng khác

  • Ho kéo dài Nôn
  • Nấc
  • Viêm phổi Đau xương Khản tiếng
  • Chảy máu từ khối u vào trong lòng thực quản, theo ống tiêu hóa ra ngoài có thể làm phân có màu đen. Hiện tượng này kéo dài sẽ dẫn đến biểu hiện mệt mỏi do thiếu máu.

Có một trong các biểu hiện trên không có nghĩa bạn đã mắc ung thư thực quản, còn có nhiều các bệnh lý khác có thể gây ra những biểu hiện này.  Tuy nhiên, bạn cần gặp bác sỹ để khám tìm ra nguyên nhân đó và điều trị nếu cần thiết.

Ung thư thực quản được chẩn đoán như thế nào?

Khi có những biểu hiện, triệu chứng nghi ngờ ung thư thực quản, một số thăm khám, xét nghiệm sẽ được thực hiện để khẳng định chẩn đoán. Sau đó, nếu ung thư được tìm thấy, các xét nghiệm khác sẽ tiếp tục để đánh giá mức độ lan rộng của ung thư.

Hỏi bệnh và thăm khám

Bác sỹ sẽ hỏi bạn những thông tin liên quan đến những yếu tố nguy cơ của ung thư thực quản và những biểu hiện của bạn.

Sau đó, bác sỹ sẽ khám bệnh để tìm những triệu chứng có thể thấy được của ung thư thực quản và những vấn đề khác kèm theo. Bác sỹ sẽ tập trung hơn vào vùng cổ và ngực của bạn.

Khi kết quả thăm khám có điểm bất thường, bác sỹ sẽ chỉ định những xét nghiệm để chẩn đoán. Bạn cũng có thể sẽ được chuyển đến khám ở một bác sỹ khác chuyên khoa về tiêu hóa để có những xét nghiệm chuyên khoa và điều trị phù hợp.

Những xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh

Chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X, sóng siêu âm, từ trường hay những chất phóng xạ để dựng lên hình ảnh về bên trong cơ thể bạn. Những xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh có thể được chỉ định do nhiều lý do, cả trước và sau chẩn đoán ung thư thực quản, bao gồm:

® Tìm những vùng nghi ngờ có thể là ung thư.

® Phát hiện sự lan tràn của ung thư

® Đánh giá hiệu quả của điều trị

®®Phát hiện tái phát của ung thư sau điều trị

Chụp Xquang thực quản uống Baryt

Trong xét nghiệm này, bạn sẽ được uống một dung dịch trắng, đặc sánh, được gọi là Baryt, dung dịch này sẽ phủ mặt trong lòng thực quản sau khi uống. Sau đó, một phim Xquang của thực quản sẽ được chụp lại và mặt trong thực quản sẽ hiện rõ nhờ lớp Baryt. Xét nghiệm này giúp phát hiện những vùng bất thường của thực quản, so với bề mặt trơn nhẵn bình thường của niêm mạc thực quản.

Đây thường là xét nghiệm đầu tiên được thực hiện để tìm nguyên nhân của những thay đổi về nuốt. Thậm chí những ung thư nhỏ, giai đoạn sớm có thể được nhìn thấy trên phim chụp này. Khối ung thư giai đoạn sớm có thể có hình ảnh gồ lên nhẹ hoặc phẳng hoặc một mảng nhô cao, trong khi đó ung thư tiến triển có hình ảnh một vùng rộng gồ ghề nham nhở, gây hẹp lòng thực quản.

Xét nghiệm này cũng có thể dùng để chẩn đoán một trong những biến chứng nặng hơn của ung thư thực quản, gọi là rò khí quản – thực quản. Nó xảy ra khi khối u phá hủy tổ chức nằm giữa khí quản (đường thở ở cổ) và thực quản tạo nên một đường thông giữa khí quản và thực quản. Khi đó, thức ăn và nước sau khi nuốt có thể đi từ thực quản vào khí quản và vào phổi. Tình trạng này dẫn đến ho nhiều hơn, sặc và sau đó là viêm phổi. Biến chứng này có thể được xử lý nhờ phẫu thuật hoặc một can thiệp qua nội soi.

Phim chụp thực quản sau uống Baryt chỉ cho thấy hình ảnh của bên trong lòng thực quản, do đó xét nghiệm này không cho phép đánh giá mức độ xâm lấn của khối u qua thành thực quản.

Chụp cắt lớp vi tính

CLVT sử dụng tia X để dựng nên những hình ảnh lát cắt ngang cơ thể của bạn. Xét nghiệm này không thường dùng để chẩn đoán ung thư thực quản nhưng nó có thể giúp xác định được vị trí khối u và tình trạng xâm lấn của u sang các cấu trúc xung quanh hay hạch bạch huyết (những cấu trúc kích thước như hạt đậu, chứa các tế bào miễn dịch, những tế bào ung thư khi di căn thường bị chặn ở đây đầu tiên), hay khi ung thư đã di căn xa sang các cơ quan khác. Cắt lớp vi tính còn giúp xác định khối u có khả năng phẫu thuật được.

Khi chụp cắt lớp vi tính, bạn cần nằm yên trên bàn trong suốt quá trình chụp, sẽ kéo dài hơn so với chụp Xquang thông thường.


Trước khi tiến hành chụp, bác sỹ sẽ tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch. Khi tiêm thuốc cản quang, bạn có thể có cảm giác nóng bừng người, đặc biệt ở mặt. Một số người có thể bị dị ứng với thuốc cản quang và xuất 
hiện sẩn, phù toàn thân. Hiếm gặp hơn, những phản ứng nghiêm trọng hơn như khó thở, tụt huyết áp có thể xuất hiện. Hãy thông báo với bác sỹ nếu bạn có bất kỳ những biểu hiện dị ứng hay dấu hiệu bất thường nào với thuốc cản quang trước đó. Bạn có thể được sử dụng thuốc giúp phòng tránh và điều trị phản ứng dị ứng đó.

Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Cũng như phim chụp CLVT, chụp cộng hưởng từ cho thấy hình ảnh chi tiết của tổ chức mô mềm trong cơ thể. Nhưng MRI sử dụng sóng radio và từ trường mạnh thay vì tia X. Một loại thuốc có tác dụng như thuốc cản quang trong phim chụp CLVT, được gọi là thuốc đối quang từ. Tuy nhiên, dị ứng với thuốc cản quang không có nghĩa bạn cũng dị ứng với thuốc đối quang từ hay ngược lại.

Phim chụp cộng hưởng từ có thể rất hữu ích khi quan sát hình ảnh của não hay tủy sống, nhưng không thường được dùng để đánh giá xâm lấn của ung thư thực quản. Quá trình chụp MRI sẽ kéo dài hơn chụp cắt lớp vi tính – thường mất 20-30 phút – nên sẽ khó chịu hơn một chút. Bạn sẽ nằm trên một bàn trượt, được đưa vào máy chụp có hình dạng một đường ống, điều này có thể gây khó chịu nếu bạn là người sợ không gian chật hẹp. Ngoài ra, một số máy MRI khi chụp có thể rung và gây tiếng ồn.

Chụp PET – CT

Để chụp PET – CT, một dạng đường được gắn chất phóng xạ (có tên gọi là Fluorodeoxyglucose hay FDG được tiêm vào máu. Lượng chất phóng xạ được sử dụng rất ít và sẽ bị đào thải khỏi cơ thể bạn ngay ngày hôm sau. Những tế bào ung thư trong cơ thể phát triển rất mạnh mẽ, vì thế chúng hấp thu một lượng lớn chất đường để sinh năng lượng bao gồm cả FDG. Sau khoảng một giờ sau tiêm FDG, bạn sẽ được nằm trên bàn chụp PET khoảng 30 phút để một máy ghi hình đặc biệt ghi lại hình ảnh phân bố FDG trên toàn cơ thể bạn, hình ảnh này sẽ không chi tiết sắc nét như CT hay MRI nhưng nó cung cấp những thông tin rất quan trọng về cơ thể bạn.

Kiểu chụp này được sử dụng để xác định những khu vực ung thư lan đến, khi những xét nghiệm hình ảnh khác không cho kết quả gì. Một số máy có thể thực hiện cả PET và CLVT cùng một thời điểm, cho phép bác sỹ so sánh đối chiếu những vùng bắt phóng xạ cao trên PET và vị trí tương ứng sắc nét hơn trên phim chụp CLVT.

Nội soi

Dụng cụ nội soi là một ống nhỏ, gấp duỗi được gắn một camera nhỏ và đèn chiếu ở đầu cho phép quan sát từ bên trong cơ thể bạn. Các thăm dò nội soi có thể giúp chẩn đoán xác định ung thư thực quản và đánh giá xâm lấn của khối u qua thành thực quản.

Nội soi Thực quàn – dạ dày

Đây là xét nghiệm quan trọng để chẩn đoán ung thư thực quản.

Trong quá trình nội soi, bạn có thể được dùng thuốc an thần (gây cảm giác buồn ngủ), sau đó bác sỹ đưa ống nội soi qua miệng, họng và vào thực quản dạ dày của bạn. Camera được kết nối với một màn hình, cho phép bác sỹ nhìn trực tiếp những vùng bất thường của thành thực quản một cách rõ ràng.

Bác sỹ có thể sử dụng một dụng cụ đặc biệt qua ống nội soi để sinh thiết một mẩu thực quản tại vùng nghi ngờ. Những mẩu này sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để các bác sỹ giải phẫu bệnh quan sát dưới kính kiển vi để tìm kiếm tế bào ung thư.

Trong trường hợp u thực quản gây hẹp lòng thực quản, qua nội soi bác sỹ có thể đặt một dụng cụ (Stent) giúp mở rộng lòng thực quản, giúp nước và thức ăn có thể qua được.

Nội soi thực quản dạ dày cung cấp cho bác sỹ những thông tin quan trọng về kích thước và độ lan rộng trên bề mặt của khối u thực quản, giúp quyết định khả năng phẫu thuật cắt thực quản.

Siêu âm nội soi

Xét nghiệm này thường được làm cùng lúc với nội soi thực quản, mặc dù nó được xem là một loại chẩn đoán hình ảnh. Siêu âm sử dụng sóng âm để dựng lại hình ảnh của một vùng của cơ thể.

Trong siêu âm nội soi, một đầu phát sóng siêu âm sẽ được gắn vào đầu ống nội soi, được đưa sát đến khối u. Sóng âm được phát ra xuyên qua khối u, đầu dò sẽ ghi nhận lại sóng âm dội lại được xử lý tạo nên hình ảnh đen trắng trên màn hình, qua đó thể hiện mức độ phát triển của khối u qua thành thực quản.

Xét nghiệm này rất hữu ích để xác định kích thước của ung thư thực quản và xác định nó đã ăn sâu đến đâu ra các cấu trúc xung quanh. Nó cũng có thể giúp phát hiện tình trạng di căn ung thư sang các hạch bạch huyết lân cận, điều này có ý nghĩa trong chẩn đoán giai đoạn của ung thư thực quản.

Nội soi phế quản

Thăm dò này được thực hiện với những khối u ở đoạn cao của thực quản để phát hiện tình trạng rò thực quản và khí quản.

Đế thực hiện xét nghiệm này, một ống nội soi sẽ được đưa qua miệng hoặc mũi của bạn, đi xuống vào khí quản rồi phế quản. Miệng và họng của bạn sẽ được gây tê trước đó bằng một thuốc đặc biệt. Nếu có vùng nào đó nghi ngờ trên nội soi, một dụng cụ nhỏ sẽ được đưa vào qua ống nội soi để sinh thiết một mẩu ở vùng đó để gửi làm xét nghiệm.

Nội soi lồng ngực và nội soi ổ bụng

Thủ thuật này giúp bác sỹ có thể nhìn thấy những hạch bạch huyết và những cơ quan khác ở gần thực quản trong lồng ngực (nội soi lồng ngực) hay ổ bụng (nội soi ổ bụng).

Bạn sẽ được đưa vào phòng mổ, sử dụng các loại thuốc để gây mê. Bác sỹ sẽ rạch những đường mở nhỏ trên thành ngực hay thành bụng, qua đó đặt những dụng cụ hình ống dài có gắn nguồn sáng và một camera nhỏ. Bác sỹ mổ có thể đưa qua những lỗ mở đó những dụng cụ phẫu thuật thích hợp để lấy những hạch bạch huyết hay mẫu sinh thiết để xác định sự xâm lấn của khối ung thư. Những thông tin này cực kỳ quan trọng để xác định bệnh nhân có thể mổ cắt thực quản được không.

Những xét nghiệm trên mẫu sinh thiết được

Trên nội soi hay các xét nghiệm hình ảnh, bác sỹ có thể nhìn thấy những vùng có vẻ giống ung thư nhưng để biết chắc chắn đó là ung thư hay không cách duy nhất là sinh thiết tức là lấy một mảnh tổ chức ở vùng đó. Động tác này thường được làm khi nội soi thực quản.

Một bác sỹ khác chuyên khoa về giải phẫu bệnh sẽ quan sát những mẫu tổ chức này qua kính hiển vi để tìm hình ảnh của tế bào ung thư. Nếu tế bào ung thư được phát hiện, bác sỹ sẽ xác định phân loại (ung thư tế bào vảy hay tế bào tuyến) và mức độ ác tính của khối u (độ bất thường của tế bào dưới kính hiển vi). Để hiểu rõ hơn về sự phân loại này, bạn có thể xem thêm ở phần Phân chia giai đoạn của ung thư thực quản. Kết quả sẽ được trả về cho bác sỹ điều trị sau vài ngày.

Xét nghiệm HER2:

Khi ung thư thực quản được phát hiện nhưng ở giai đoạn tiến triển, không phù hợp với phẫu thuật nữa, mẫu sinh thiết của bạn có thể được kiểm tra về HER2, gen hoặc protein. Một số bệnh nhân ung thư thực quản có quá nhiều protein HER2 trên bề mặt tế bào ung thư của họ, điều này giúp cho những tế bào ung thư phát triển nhanh hơn. Khi đó một loại thuốc nhắm vào HER2, được biết như trastuzumab (Herceptin), giúp điều trị những khối u này, cùng với những thuốc hóa chất khác. Chỉ có những khối u có chứa nhiều gen hay protein HER2 mới đáp ứng với loại thuốc này, do đó bác sỹ sẽ chỉ định làm xét nghiệm này để biết có thể dùng được thuốc này cho bạn hay không (xem thêm phần điều trị đích cho ung thư thực quản).

Những xét nghiệm khác

Bác sỹ có thể cần làm thêm xét nghiệm máu của bạn để đánh giá mức độ thiếu máu (do chảy máu từ khối u). Ngoài ra một số xét nghiệm khác giúp bác sỹ đánh giá tình trạng gan thận, chức năng tim mạch, hô hấp của bạn trước khi bắt đầu điều trị.

Phân chia giai đoạn của ung thư thực quản

 Xác định giai đoạn của ung thư thực quản là cách để bác sỹ có thể biết được ung thư đã lan rộng đến đâu. Các phương án điều trị và tiên lượng cho bệnh nhân sẽ phụ thuộc vào ung thư đang ở giai đoạn nào. Chẩn đoán giai đoạn ung thư thực quản có thể sẽ rất phức tạp, vì thế hãy hỏi bác sỹ điều trị giải thích cho bạn tình trạng bệnh ung thư của bạn theo cách bạn có thể hiểu được. Hiểu rõ điều này sẽ giúp bạn góp phần lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho mình.

Chẩn đoán giai đoạn của ung thư thực quản dựa trên kết quả việc khám bệnh, các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, nội soi, sinh thiết.

Hệ thống phân loại TNM

Hệ thống phân loại giai đoạn được dùng phổ biến nhất cho ung thư thực quản là hệ thống TNM của Hiệp hội ung thư quốc gia Hoa Kỳ (AJCC). Hệ thống này dựa trên một vài đặc điểm quan trọng như:

T thể hiện mức độ lan rộng của khối u qua các lớp thành thực quản và ra các cơ quan xung quanh.

N thể hiện tình trạng di căn hạch của ung thư.

M thể hiện tình trạng di căn của ung thư đến những cơ quan ở xa khối u.

G mô tả độ ác tính của khối u, dựa trên đặc điểm của tế bào ung thư khi quan sát dưới kính hiển vi.

Việc phân loại còn xem xét đến loại tế bào của ung thư (tế bào vảy hay tế bào tuyến). Với ung thư tế bào vảy, vị trí của khối u cũng là một yếu tố để phân loại.

Phân loại T

T thể hiện mức độ ăn sâu của tế bào ung thư vào các lớp của thành thực quản hay xuyên qua thành thực quản xâm lấn các cấu trúc xung quanh. Hầu hết ung thư thực quản xuất phát từ lớp trong cùng của thực quản (lớp biểu mô), sau đó phát triển vào các lớp sâu hơn theo thời gian. Tùy theo mỗi mức độ đó sẽ có một ký hiệu T tương ứng:

Tx:    Không thể đánh giá được khối u nguyên phát. T0:    Không tìm thấy bằng chứng của u nguyên phát.

Tis: Tế bào ung thư chỉ ở lớp biểu mô (lớp tế bào ở trên cùng phủ bên trong lòng thực quản). Khối u vẫn chưa bắt đầu xâm lấn vào các lớp sâu hơn. Giai đoạn này còn được gọi tên là loạn sản mức độ cao hay ung thư biểu mô tại chỗ.

T1: Ung thư ăn sâu vào tổ chức dưới lớp biểu mô, như màng đáy, lớp cơ niêm hay lớp dưới niêm mạc.

T1a: Ung thư xâm lấn tới màng đáy hoặc lớp cơ niêm.

T1b: Ung thu đã xâm lấn qua 2 lớp trên và vào lớp dưới niêm mạc.

T2:    Ung thư lan đến lớp cơ chính của thực quản.

T3: Ung thư đã ăn đến lớp ngoài cùng của thực quản (lớp tổ chức liên kết quanh thực quản).

T4:    Ung thư xâm lấn các cấu trúc xung quanh.

T4a: Ung thư ăn vào màng phổi (lớp màng mỏng bao bọc lá phổi), màng tim, hay cơ hoành (một vách cơ dày ngăn cách lồng ngực và khoang bụng). Khối u còn có thể loại bỏ bằng phẫu thuật.

T4b: Khối u không còn thể cắt bỏ được vì đã xâm lấn vào khí quản, động mạch chủ, cột sống, hay những cấu trúc quan trọng khác.

Phân loại hạch

Nx: không đánh giá được di căn hạch N0: ung thư chưa di căn hạch lân cận

N1-2-3: tùy theo số lượng hạch lân cận đã có tế bào ung thư di căn đến

Phân loại M

M0: ung thư chưa di căn đến các cơ quan ở xa khối u

M1: đã có di căn xa

Phân độ mô học

Kết quả giải phẫu bệnh sẽ cho bạn biết thể ung thư (tế bào tuyến hay tế bào vảy) và độ mô học của khối u. Độ mô học được các bác sỹ giải phẫu bệnh đánh giá dựa trên sự khác biệt về hình thái giữa tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh, độ mô học càng cao (2, 3) tế bào ung thư càng bất thường và độ ác tính sẽ càng cao.

Vị trí khối u

Khối u ở vị trí nào trong thực quản của bạn cũng quyết định đến phân loại giai đoạn bệnh. Khối u được xác định ở đoạn trên, đoạn giữa hay đoạn dưới của thực quản qua khoảng cách từ cung răng cửa hàm trên của bạn với bờ trên khối u. Thông thường: đoạn trên (<25 cm), đoạn giữa (25 – 35 cm), đoạn dưới (>35 cm).

Giai đoạn mổ được và không mổ được

Phân loại giai đoạn theo TNM được trình bày ở trên sẽ giúp mô tả chi tiết mức độ lan tràn của ung thư. Trên thực tế, các bác sỹ thường dựa trên phân loại TNM này để dự đoán khả năng có thể phẫu thuật cắt bỏ khối u.

Khi khối u còn khu trú, chưa xâm lấn sang các cấu trúc xung quanh thực quản (T1, T2, T3), đặc biệt là các cơ quan quan trọng như khí quản, động mạch chủ, xương cột sống, khối u còn có thể cắt bỏ được. Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định phẫu thuật cho người bệnh, bác sỹ còn phải xem xét đến tình trạng toàn thân của người bệnh (cân nặng, bệnh lý khác kèm theo).

Khối u khi đã xâm lấn các tổ chức xung quanh hay di căn đến các hạch, các cơ quan ở xa thì không còn khả năng phẫu thuật nữa, khi đó các phương pháp điều trị khác phù hợp hơn sẽ được lựa chọn.

Thời gian sống thêm theo các giai đoạn của ung thư thực quản

Tôi sẽ sống thêm được bao lâu nữa?

Đây có lẽ là câu hỏi được người bệnh đặt ra nhiều nhất cho bác sỹ điều trị. Thông tin này một mặt cần thiết cho người bệnh có thể chủ động sắp xếp cuộc sống của mình, hoàn thành những dự định, tâm nguyện còn dang dở, tuy nhiên nó cũng có thể gây ra những lo lắng, suy sụp tinh thần không có lợi cho người bệnh. Hiện không có phương tiện nào giúp biết được khoảng thời gian chính xác, các bác sỹ chỉ có thể đưa ra tiên lượng, ước đoán dựa trên tình trạng bệnh. Cơ sở quan trọng nhất là giai đoạn bệnh, những bệnh lý kèm thèo khác (tim mạch, tiểu đường…) cũng ảnh hưởng một phần đến thời gian sống thêm của người bệnh.

Tỷ lệ sống thêm 5 năm là tỷ lệ phần trăm số bệnh nhân có thể sống thêm trên 5 năm từ khi được chẩn đoán bệnh ung thư. Dựa trên kết quả các nghiên cứu theo dõi những bệnh nhân mắc cùng loại bệnh ung thư, ở các giai đoạn bệnh khác nhau, ghi nhận lại tình trạng bệnh nhân sau 5 năm theo dõi, chúng ta có được tỷ lệ số bệnh nhân còn sống sau 5 năm ở mỗi giai đoạn khác nhau.

Những số liệu sau đây được trích ra từ thống kê của hiệp hội ung thư Hoa Kỳ từ 2003 đến 2009:

  • Giai đoạn khu trú: bệnh ung thư chỉ khu trú ở thực quản (T1,2,3 – N0, M0), tỷ lệ sống thêm sau 5 năm là 40%
  • Giai đoạn tiến triển tại vùng: ung thư xâm lấn rộng tại chỗ (T4) hay có di căn đến hạch lân cận (N1,2,3) có tỷ lệ tương ứng 21%
  • Giai đoạn muộn: bệnh đã di căn xa (M1), tỷ lệ chỉ còn 4%

Cần nhấn mạnh rằng những con số trên đây chỉ mang tính chất đại diện cho một số lượng lớn bệnh nhân, không thể sử dụng để xác định chính xác thời gian hay khả năng sống thêm 5 năm cho 1 bệnh nhân cụ thể, hãy trao đổi với bác sỹ điều trị của bạn, bác sỹ sẽ là người hiểu rõ bệnh của bạn và cho bạn những thông tin phù hợp.

Điều trị ung thư thực quản như thế nào?

 Sau khi được chẩn đoán ung thư thực quản và xác định giai đoạn bệnh, hồ sơ bệnh án của bạn sẽ được đưa ra thảo luận trong buổi hội chẩn tìm ra lựa chọn điều trị phù hợp cho bạn. Bác sỹ sẽ cung cấp cho bạn những thông tin về những phương án điều trị có thể đặt ra, những lợi ích hay tác dụng phụ, nguy cơ có thể gặp phải với mỗi phương pháp điều trị. Hai cơ sở chính để quyết định điều trị là tình trạng sức khỏe chung của bạn và giai đoạn (mức độ phát triển) của bệnh.

Những phương pháp điều trị chính cho ung thư thực quản bao gồm:

  • Phẫu thuật
  • Xạ trị
  • Hóa chất
  • Các thuốc điều trị đích, điều trị miễn dịch
  • Các can thiệp qua nội soi

Một số trong các phương pháp trên cũng có thể được sử dụng với mục đích điều trị giảm nhẹ (palliative) khi giai đoạn bệnh tiến triển khiến toàn bộ khối u không thể loại bỏ được. Điều trị giảm nhẹ tức là bác sỹ sẽ tập trung vào việc cải thiện những triệu chứng của bạn (như đau hay nuốt khó, nuốt nghẹn) để giúp bạn dễ chịu hơn.

Dựa trên tình trạng sức khỏe hiện tại và giai đoạn bệnh ung thư của bạn, bác sỹ có thể quyết định áp dụng những phương án điều trị khác nhau, riêng rẽ hay phối hợp nhiều phương pháp. Do đó, bạn có thể gặp nhiều bác sỹ ở các chuyên ngành khác nhau trong quá trình điều trị:

  • Bác sỹ phẫu thuật
  • Bác sỹ xạ trị
  • Bác sỹ hóa chất
  • Bác sỹ dinh dưỡng

Đây là thời điểm quan trọng để bạn có thể trao đổi về các phương pháp điều trị với bác sỹ, bạn sẽ là người chủ động việc lựa chọn phương án điều trị cho mình. Bạn có thể sẽ cảm thấy cần phải quyết định nhanh, tuy nhiên điều quan trọng nhất, bạn cần thời gian để hiểu được những thông tin mà bác sỹ trao đổi. Xem thêm phần “Những điều bạn nên hỏi bác sỹ về ung thư thực quản?”

Nếu thời gian cho phép, việc tham khảo thêm ý kiến của những chuyên gia khác mà bạn tin tưởng cũng sẽ giúp bạn có thêm những lựa chọn và cảm thấy tin tưởng hơn vào quyết định của mình.

Phẫu thuật điều trị ung thư thực quản

 Với những trường hợp bệnh ở giai đoạn sớm, phẫu thuật được sử dụng để cắt bỏ khối u cùng với một vùng tổ chức lành xung quanh. Ở một số trường hợp, có thể lựa chọn phương án phối hợp giữa tia xạ và điều trị hóa chất.

Phẫu thuật cắt thực quản

Phẫu thuật này sẽ cắt bỏ một đoạn hay gần toàn bộ thực quản và thường kèm theo cắt một phần nhỏ dạ dày. Đoạn còn lại phía trên của thực quản sau đó sẽ được nối với phần còn lại của dạ dày. Một phần dạ dày sẽ được đưa lên vùng ngực và trở thành thực quản mới. Phần thực quản được cắt bỏ dài hay ngắn sẽ tùy thuộc vào vị trí khối u và mức độ tiến triển của nó.

Nếu khối u nằm ở đoạn thấp của thực quản (gần dạ dày) hay ở chính đoạn nối giữa dạ dày và thực quản, bác sỹ sẽ phẫu thuật cắt một phần dạ dày, đoạn thực quản có u cùng với đoạn thực quàn cách u 7 đến 8 cm. Đoạn còn lại dạ dày sẽ nối với phần thực quản còn lại ở đoạn cổ hay phần cao của ngực.

Với những khối u ở đoạn thực quản giữa và trên, phẫu thuật trở nên phức tạp hơn kèm theo nguy cơ nhiều biến chứng có thể xảy ra, hiệu quả của điều trị phẫu thuật đã được chứng minh ngang bằng với phương án kết hợp tia xạ và hóa chất. Do đó các bác sỹ hiện nay thường ưu tiên lựa chọn điều trị hóa xạ trị đồng thời thay cho phẫu thuật.

Phẫu thuật cắt thực quản có thể được tiến hành bằng kỹ thuật mổ mở và mổ nội soi:

  • Mổ mở: bác sỹ tiếp cận vùng thực quản qua các đường rạch da ở vùng bụng, ngực và vùng cổ
  • Mổ nội soi: phẫu thuật sử dụng những dụng cụ nội soi đặc biệt, chỉ cần qua những đường rạch da nhỏ. Nhờ việc giảm thiểu những can thiệp đến tổ chức xung quanh so với mổ mở, phẫu thuật nội soi giúp cải thiện việc hồi phục sau mổ và rút ngắn thời gian nằm viện.

Tuy đã có nhiều tiến bộ về phương tiện và kỹ thuật, phẫu thuật cắt thực quản vẫn là một cuộc mổ phức tạp và nặng nề , phải được tiến hành ở những cơ sở y tế có kỹ thuật và kinh nghiệm.

Khi khối u chỉ mới khu trú ở thực quản, phẫu thuật cắt đoạn thực quản cùng với những hạch bạch huyết xung quanh có thể chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên, phần lớn trường hợp ung thư thực quản được phát hiện ở những giai đoạn không đủ sớm để có chỉ định phẫu thuật.

Nạo vét hạch

Những hạch bạch huyết xung quanh thực quản đoạn có khối u sẽ được loại bỏ cùng trong phẫu thuật cắt thực quản. Các bác sỹ Giải Phẫu Bệnh sẽ kiểm tra những hạch này xem đã có tế bào ung thư chưa. Nếu khối u đã lan đến các hạch, tiên lượng bệnh sẽ không tốt bằng và bác sỹ sẽ xem xét sử dụng các điều trị bổ sung thêm (hóa chất hay tia xạ) sau phẫu thuật.

Những nguy cơ và biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật

Cũng như những cuộc mổ khác, phẫu thuật cắt thực quản cũng có những nguy cơ. Những biến chứng sớm có thể xảy ra như phản ứng với thuốc gây mê, chảy máu nhiều, tắc mạch phổi hay một số nơi do cục máu đông, hay nhiễm trùng sau mổ. Phần lớn bệnh nhân sẽ có cảm giác đau sau phẫu thuật và thường có thể loại bỏ bằng các thuốc giảm đau.

Biến chứng phổi rất thường gặp. Viêm phổi có thể xuất hiện, kéo dài thời gian nằm viện, thậm chí có thể gây tử vong cho một số ít trường hợp.

Một số người bệnh có thể thay đổi giọng nói, nói khàn sau phẫu thuật.

Một biến chứng nặng khác cũng có thể xảy ra, đó ra khi miệng nối giữa thực quản và dạ dày ở đoạn cổ, ngực không liền tốt dẫn đến rò rỉ dịch tiêu hóa ra xung quanh, gây viêm và nhiễm trùng nặng vùng cổ hay vùng ngực có thể cần thiết phải tiến hành một cuộc mổ khác để khắc phục. Tuy nhiên, biến chứng này cũng rất hiếm gặp nhờ những tiến bộ về phương tiện và kỹ thuật mổ.

Hẹp miệng nối giữa thực quản và dạ dày gây ra những rối loạn nuốt có thể gặp ở một vài trường hợp, khắc phục nhờ các can thiệp bằng nội soi.

Một số triệu chứng khác có thể xuất hiện sau phẫu thuật như:

  • Nôn và buồn nôn do những hoạt động chưa bình thường của phần còn lại dạ dày
  • Trào ngược dịch mật và dịch dạ dày gây cảm giác nóng rát, đau tức ngực sau xương ức. Một số thuốc kháng a xít và điều hòa co bóp dạ dày có thể giúp làm dịu những triệu chứng này.

Phẫu thuật với mục đích điều trị triệu chứng ung thư thực quản

Một số can thiệp phẫu thuật nhỏ có thể được sử dụng như đặt một ống thông trực tiếp vào dạ dày (mở thông dạ dày) để hỗ trợ nuôi dưỡng khi người bệnh không thể ăn được hay không đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng.

Can thiệp qua nội soi đặt một dụng cụ nong mở lòng thực quản đoạn có u cũng giúp cải thiện lưu thông thức ăn qua thực quản ở những bệnh nhân không thể phẫu thuật cắt bỏ khối u được.

Xạ trị ung thư thực quản

Phương pháp xạ trị (Điều trị bằng tia xạ) sử dụng các chùm tia có năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư.

Với ung thư thực quản, xạ trị được bác sỹ lựa chọn cho các chỉ định sau:

  • Làm phương án điều trị chủ đạo trong một số trường hợp, thường kết hợp song song với điều trị hoá chất (hoá xạ trị đồng thời). Đây là phác đồ thường được dành cho những bệnh nhân ung thư thực quản không thể phẫu thuật do tình trạng bệnh hoặc thể trạng kém hoặc có các chống chỉ định của phẫu thuật.
  • Xạ trị trước mổ với mục đích làm giảm kích thước của khối u, tạo
  • điều kiện thuận lợi cho cuộc mổ (xạ trị bổ trợ trước mổ).
  • Xạ trị sau mổ nhằm tiêu diệt triệt để những tế bào ung thư còn sót lại tại vị trí u và vùng lân cận, củng cố thêm kết quả của cuộc phẫu thuật (xạ trị bổ trợ sau mổ).
  • Xạ trị giúp cải thiện các triệu chứng của ung thư thực quản giai đoạn muộn như đau ngực, chảy máu… (xạ trị triệu chứng).

Quá trình xạ trị diễn ra như thế nào?

Trong một liệu trình thông thường của xạ trị, người bệnh sẽ trải qua các buổi chiếu tia (từ thông dụng hay gọi là “mũi”) với thời lượng 10-15 phút/mỗi buổi, liên tục 5 ngày trong tuần (Từ thứ Hai đến thứ Sáu), sau đó người bệnh nghỉ xạ trị 2 ngày thứ Bảy và Chủ nhật trước khi bước vào tuần điều trị tiếp theo.

Nếu hoá xạ trị đồng thời, bác sỹ sẽ chỉ định thêm truyền hoá chất vào những ngày cụ thể trong thời gian xạ trị tuỳ theo những loại hoá chất được lựa chọn.

Các tác dụng không mong muốn của xạ trị?

Trước khi bước vào liệu trình điều trị bằng tia xạ, các bạn đừng ngần ngại đặt những câu hỏi dành cho bác sỹ điều trị cho mình để hiểu rõ các tác dụng phụ có thể sẽ xuất hiện và những việc bạn có thể làm để phòng tránh hay đối mặt với nó. Xạ trị có thể có những tác dụng không mong muốn như:

  • Thay đổi vùng da chiếu xạ như nóng da, đỏ da, nặng hơn có thể tê rát hay bong tróc da.
  • Nôn và buồn nôn.
  • Mệt mỏi.
  • Viêm thực quản do tia xạ biểu hiện bởi đau ngực, nuốt khó, đau khi nuốt.
  • Viêm phổi do tia xạ: ho khan, tức ngực, ho khạc đờm khi có bội nhiễm thêm vi khuẩn, diễn biến nặng hơn có thể gây khó thở.

Điều trị toàn thân (hoá chất và điều trị đích) ung thư thực quản

Các thuốc hoá chất và các thuốc điều trị đích có hoạt tính chống lại tế bào ung thư được đưa vào cơ thể qua hình thức dịch truyền tĩnh mạch hay thuốc viên uống, sau đó, thuốc theo đường máu đến hầu hết các bộ phận trong cơ thể và phát huy tác dụng toàn thân. Do đó, cả 2 phương pháp điều trị hoá chất và điều trị đích được xếp chung trong phân nhóm điều trị toàn thân ung thư thực quản.

Tuy nhiên, khác với các thuốc hoá chất tác động đến cả các tế bào ung thư và các tế bào khoẻ mạnh bình thường, các thuốc điều trị đích có khả năng tác động chọn lọc lên các tế bào ung thư nhờ các cơ chế hướng đến bia đích nằm trên các tế bào này.

Liệu trình điều trị toàn thân sẽ diễn ra theo các chu kỳ, mỗi đợt điều trị tiếp nối với khoảng thời gian nghỉ ngơi, hồi phục trước đợt điều trị tiếp theo. Chu kỳ điều trị dài hay ngắn (Thường từ 2-4 tuần) được bác sỹ quyết định tuỳ theo từng phác đồ cho từng trường hợp cụ thể.

Trong điều trị ung thư thực quản, các phương pháp điều trị toàn thân được chỉ định khi:

  • Hoá trị trước mổ: Thường kết hợp với xạ trị nhằm thu nhỏ kích thước khối u, giúp cuộc mổ trở nên dễ dàng hơn.
  • Hoá trị sau mổ: Trong một số trường hợp, điều trị hoá chất giúp tiêu diệt nốt những tế bào ung thư còn sót lại sau mổ, không thể phát hiện được bằng mắt thường hay các xét nghiệm chụp chiếu.
  • Điều trị hoá chất và điều trị đích cho ung thư thực quản giai đoạn muộn nhằm cải thiện triệu chứng, đẩy lùi và kiểm soát bệnh tạm thời, giúp kéo dài thêm cuộc sống của người bệnh.

Những tác dụng không mong muốn của điều trị hoá chất

Do tác động đến tế bào ung thư và cả tế bào lành, hoá chất sẽ có thể làm tổn thương những tế bào khoẻ mạnh bình thường của cơ thể, đặc biệt là những tế bào thường xuyên nhân lên (đổi mới, tăng số lượng) như các tế bào tạo máu tại tuỷ xương, các tế bào bao phủ niêm mạc miệng, đường tiêu hoá (dạ dày, ruột non, ruột già)…

Một số tác dụng phụ quan trọng bạn cần ghi nhớ để thảo luận cùng bác sỹ điều trị về nguy cơ và các biện pháp phòng tránh, khắc phục là:

  • Buồn nôn và nôn
  • Chán ăn
  • Rụng tóc
  • Viêm niêm mạc miệng (nhiệt miệng)
  • Tiêu chảy hoặc táo bón
  • Giảm các tế bào máu (Hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu)
  • Tăng nguy cơ bị nhiễm trùng (giảm sức đề kháng do hạ bạch cầu)
  • Tăng nguy cơ chảy máu (rối loạn đông cầm máu do giảm tiểu cầu) Mệt mỏi
  • Hội chứng bàn tay – bàn chân: Thường bắt đầu bằng dấu hiệu đỏ da lòng bàn tay, bàn chân, sau đó tiến triển thành cảm giác tê bì, nóng rát thậm chí bong tróc da, móng bàn tay – chân.
  • Độc tính thần kinh: Biểu hiện tê bì, thay đổi cảm giác, thậm chí gây đau nhức tay chân, thường bắt đầu từ các đấu ngón tay, ngón chân. Các dấu hiệu này tăng lên rõ rệt khi tiếp xúc với lạnh (thời tiết lạnh, nước lạnh, cầm nước đá lạnh…).

Bạn cần giữ liên lạc với bác sỹ trong suốt thời gian điều trị, thông báo cho bác sỹ ngay khi xuất hiện các dấu hiệu khiến bạn nghi ngờ liên quan đến tác dụng phụ của thuốc. Nếu không được can thiệp kịp thời, một số độc tính có thể tiến triển nặng dẫn đến buộc phải trì hoãn liệu trình, ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh ung thư. Hầu hết những tác dụng không mong muốn trên sẽ cải thiện dần sau khi kết thúc hoá trị.

Điều trị ung thư thực quản khi tái phát

Bệnh tái phát luôn là nỗi ám ảnh đối với người bệnh ung thư và gia đình. Tuy nhiên, nếu chúng ta phát hiện sớm tình trạng tái phát của bệnh khitổnthươngtáiphátcònnhỏ,cònkhutrú,ngườibệnhvẫncòncónhiềucơhội điều trị với các phương án khác nhau. Đây cũng là vai trò quan trọng của việc khámđịnhkỳtheodõisauđiềutrịungthưthựcquản.

Bệnh tái phát tại chỗ: Ung thư thực quản phát triển trở lại ngay tại vị trí ban đầu hoặc các hạch bạch huyết lân cận, bác sỹ sẽ cân nhắc chỉ định lựa chọn phương pháp chủ đạo phẫu thuật hay xạ trị tuỳ theo tình trạng bệnh và sức khoẻ chung của người bệnh.

Bệnh tái phát di căn: Khi bệnh ung thư quay trở lại với sự hiện diện của tế bào ung thư tại các cơ quan bộ phận khác trong cơ thể (Di căn gan, phổi, xương…), các liệu pháp toàn thân và chăm sóc triệu chứng sẽ được bác sỹ cân nhắc lựa chọn cho người bệnh.

Nguồn: Cancer.org

Người dịch: Thái Đình Hiếu

Đặt khám để nhận chính sách tốt nhất

Lý do bạn nên chọn Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An

Đội ngũ y bác sỹ giỏi, giàu kinh nghiệm

Hệ thống trang thiết bị đầy đủ hiện đại

Chăm sóc bệnh nhân tận tình chu đáo

Thủ tục nhanh gọn, dễ dàng

Chi phí khám chữa bệnh hợp lý

Cập nhật áp dụng kỹ thuật điều trị tân tiến

BÁC SĨ: 0919180014


    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    .
    1900 068 681
    Liên hệ